Tin tức sự kiện

Đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên theo hướng nào?


19-07-2018

Nếu coi quá trình bồi dưỡng GV và CBQLGD là một hệ thống gồm nhiều thành tố từ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức đến cách thức đánh giá kết quả thì đánh giá là thành tố quan trọng thu thông tin phản hồi nhằm mục đích điều chỉnh các thành tố còn lại của quá trình bồi dưỡng. Như vậy, đánh giá không chỉ là cơ sở để công nhận trình độ và cấp chứng chỉ cho người học mà quan trọng hơn là cơ sở để cải thiện chất lượng hoạt động bồi dưỡng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu người học và yêu cầu của thực tiễn.

Các hình thức đánh giá

Để phát huy hết vai trò của mình, đánh giá cần phải đảm bảo được cả 3 mục tiêu – đánh giá vì sự tiến bộ của người học (assessment for learning), đánh giá hoạt động học tập (assessment of learning) và đánh giá là hoạt động học (assessment as learning).

Trong bồi dưỡng, kết quả bồi dưỡng nằm ở kết quả học tập của người học và được đánh giá thông qua việc đánh giá kết quả học tập của người học. Đánh giá hoạt động học tập nhằm mục đích công nhận kết quả và báo báo cáo giải trình được thể hiện trong hình thức đánh giá tổng kết. Đánh giá vì sự tiến bộ của người học và giúp người học học tập thể hiện trong hình thức đánh giá quá trình.

Đánh giá quá trình giúp  GV và CBQLGD hiểu rõ việc học tập/ bồi dưỡng của bản thân và khuyến khích họ cải thiện phương pháp, kết quả học tập/bồi dưỡng được tốt hơn. Đồng thời người thiết kế chương trình và các báo cáo viên/ giảng viên cũng có thông tin hữu ích để đổi mới chương trình và cải thiện phương pháp giảng dạy. Đánh giá quá trình gồm đánh giá chính thức và không chính thức.

Các công cụ sử dụng để đánh quá trình học của người học rất đa dạng: bài kiểm tra viết, bài tập thực hành, thảo luận, câu hỏi vấn đáp, các công cụ quan sát và hồ sơ (điển hình là hồ sơ điện tử).

Trong hoạt động đánh giá hiện nay, hồ sơ là một công cụ đánh giá ngày càng được biết đến nhiều hơn. Theo đại học Indiana - Purdue Fort Wayne, hồ sơ của học viên có hai mục đích chính: Một là, chứng minh sự tiến bộ của học viên dựa trên các tiêu chí cụ thể trong suốt quá trình họ học tập. Hai là, phục vụ cho mục đích kiểm định của tổ chức kiểm định nghề nghiệp GV rằng học viên đã đạt được các mục tiêu chương trình đề ra.

Một điều cần lưu ý là các công cụ dùng để kiểm tra đánh giá cần được xây dựng một cách bài bản, công phu và thực hiện quy trình lấy dữ liệu đúng cách, đảm bảo tính khách quan thì  kết quả thu được mới có giá trị.

Ngày nay, việc kết hợp dạy học trực tiếp (on site) với dạy học qua mạng (online) cung cấp thêm các hình thức đánh giá và theo dõi quá trình học tập của người học trên các lớp học ảo/ lớp học trực tuyến. Người học có thể làm các bài kiểm tra ngay trên mạng và thu được kết quả đánh giá tức thì. Sự tích cực học tập của người học cũng được thống kê qua số lần truy cập, qua việc đăng tải và tải về các thông tin và những ý kiến đóng góp của họ trên diễn đàn.

Đánh giá tổng kết để xác định kết quả cuối cùng mà đối tượng được bồi dưỡng (ở đây là GV và CBQLGD) đạt được. Đánh giá tổng kết thường là đánh giá chính thức và sử dụng các công cụ như: tiểu luận, các bài thi viết, bài thu hoạch... Đây là hình thức đánh giá phổ biến cho các khoá bồi dưỡng vì nó là cơ sở cấp chứng chỉ cho người học.

Đánh giá cần được xây dựng một cách bài bản, công phu, đảm bảo tính khách quan thì  kết quả thu được mới có giá trị.

Kết quả đánh giá là cơ sở phát triển chương trình bồi dưỡng hiệu quả

Trên thế giới, hoạt động đào tạo sau nghề hay phát triển chuyên môn (Continuing Professional Development - CPD) là giai đoạn tiếp nối sau GD nghề nghiệp, đều được các nước quan tâm với nhiều phương thức bồi dưỡng giáo viên khác nhau. Điểm mấu chốt là xây dựng và tổ chức được các chương trình bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu của giáo viên và thực tế dạy học thì việc bồi dưỡng mới có hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ đánh giá kết quả bồi dưỡng thực sự cần thiết. Vì kết quả đánh giá có thể làm cơ sở cho việc phát triển chương trình bồi dưỡng có hiệu quả. Hoạt động này không được tiến hành một cách hình thức mà cần có các nghiên cứu sâu hơn để có thể xây dựng những bộ công cụ đánh giá cụ thể và khách quan hơn.

Ở Việt Nam, trong công tác bồi dưỡng giáo viên thường xuyên, khâu kiểm tra đánh giá được nhận thức là rất quan trọng, là cơ sở để đánh giá được kết quả thực hiện chương trình, thu nhận các thông tin phản hồi qua đó điều chỉnh, phát triển nâng cao chất lượng của chương trình bồi dưỡng.

Tuy nhiên, thực tế trong những năm gần đây, việc kiểm tra đánh giá vẫn còn mang tính hình thức, chưa làm cho mỗi GV và CB QLGD có ý thức tích cực, tự giác tự học, tự bồi dưỡng hoặc tham gia bồi dưỡng. Chúng ta cần phải thấy rằng công tác đánh giá kết quả BDTX không chỉ hướng tới việc cho điểm như hiện nay mà còn cần thu thập được các minh chứng cần thiết cho việc thể hiện khả năng đạt được. Gần đây đã có một số công trình đã nghiên cứu một cách bài bản trong việc xây dựng các công cụ và quy trình đánh giá hiệu quả. Đây là định hướng  quan trọng để hoạt động bồi dưỡng đạt hiệu quả.

Thông thường, đánh giá kết quả bồi dưỡng được thực hiện thông qua các bài kiểm tra với các phương pháp truyền thống rất quen thuộc là kiểm tra viết, đôi khi là kiểm tra vấn đáp, kiểm tra thực hành. Đánh giá truyền thống chủ yếu là đánh giá về nhận thức và kỹ năng cứng, những kỹ năng tối thiểu mà người học cần để có thể đảm nhiệm được một công việc. Việc kiểm tra đánh giá mang tính hình thức dẫn  đến hệ quả là GV và CBQL  chưa thực sự quan tâm, nghiêm túc với hoạt động này nên cũng không thấy được giá trị, ý nghĩa của nó với hoạt động nghề nghiệp của mình.

Việc bồi dưỡng cho giáo viên nên hướng đến mục tiêu cuối cùng là giáo viên có thể vận dụng những kiến thức, kĩ năng vào trong thực tiễn công việc của mình. Do đó, cần giảm bớt áp lực về kiểm tra và điểm số trong đánh giá chính thức, phát huy đánh giá không chính thức và đánh giá quá trình để giáo viên có thể chủ động và có tâm thế học tập thoải mái hơn.

 Hơn nữa, đánh giá vẫn đảm bảo việc thu thông tin phản hồi để điều chỉnh chương trình, đổi mới phương pháp hình thức tổ chức bồi dưỡng và hỗ trợ người học học tập hiệu quả.

Đánh giá kết quả hoạt động bồi dưỡng phải là sự kết hợp của đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết

Kết hợp đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết

Thực tiễn triển khai bồi dưỡng thường xuyên đối với GV và CBQL cho thấy, trong giai đoạn hiện nay, để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục cần có cách tiếp cận mới trong đánh giá kết quả bồi dưỡng của GV và CBQL: Đánh giá kết quả hoạt động bồi dưỡng phải là sự kết hợp của đánh giá quá trình và đánh giá tổng kết với mục tiêu phát triển năng lực tự đánh giá và đánh giá xuất phát từ nhu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của GV và CBQL. Đặc biệt, đánh giá quá trình cần phải được đẩy mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá quá trình thông qua các lớp học trực tuyến sẽ giúp việc thực hiện đánh giá đơn giản, hiệu quả hơn.

  Chương trình bồi dưỡng GV và CBQL cần được phát triển trên cơ sở mô hình năng lực GV và hiệu trưởng nhà trường đã được thể hiện ở chuẩn giáo viên và chuẩn hiệu trưởng. Theo đó, người GV và CBQL cần phải được phát triển các năng lực giảng dạy, giáo dục và quản lí trường học. Đây chính là một trong những yêu cầu đặt ra trong công tác đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên GV và CBQL các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông.

Một điều cần lưu ý là, cần đặt công tác đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên trong mối quan hệ với đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng,... Chẳng hạn, thực hiện chương trình bồi dưỡng phần “nghiệp vụ” và phần “chuyên biệt” theo kiểu diễn giảng như hiện nay thực tế hiệu quả rất thấp.

Phát hiện và giải quyết các tình huống

Cần thiết phải đổi mới phương thức bồi dưỡng chí ít là theo kiểu “Nêu và giải quyết vấn đề”; “Phát hiện và giải quyết các tình huống”; “Đúc rút và tổng kết kinh nghiệm” trong nước và trên thế giới hoặc tối thiểu là kinh nghiệm giải các “bài toán” quản lí trong bối cảnh “thay đổi” đang diễn ra ở các cơ sở giáo dục.

Một thực tế cho thấy, hầu hết các ý kiến của GV và CBQLGD đều có nhu cầu chung đối với phương pháp bồi dưỡng cho giáo viên là tăng cường thực hành, vận dụng; Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, tham quan thực tế để học hỏi lẫn nhau; Tăng cường hoạt động trao đổi, thảo luận để giáo viên có thể tháo gỡ những vướng mắc trong vận dụng những kiến thức được học vào thực tiễn. Phương pháp dạy học tích cực sẽ giúp giáo viên khắc phục sức ỳ, giúp việc bồi dưỡng trở nên thiết thực. Theo đó,  đánh giá cũng cần linh hoạt, đa dạng hình thức và không tạo áp lực thi cử cho người học.

Từ các luận điểm đó, chúng tôi cho rằng, những liên đới có liên quan đến xây dựng và triển khai chương trình bồi dưỡng GV và CBQL phải trả lời được các câu hỏi: Hệ mục tiêu của chương trình bồi dưỡng GV và CBQL có được xây dựng phù hợp với sứ mạng của nhà trường và của bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay hay không? Tính phù hợp giữa mục tiêu đặt ra cho chương trình bồi dưỡng và nội dung, phương pháp triển khai nội dung chương trình dưỡng như thế nào? Các chiến lược dạy học/thực thi chương trình dưỡng có phù hợp không? Các biện pháp hỗ trợ khi thực hiện chương trình bồi dưỡng (hệ bài tập thực hành/tình huống; kế hoạch khảo sát thực tiễn...) ra sao? Có sai sót nào được phát hiện ra khi thực thi chương trình bồi dưỡng? Diễn biến của việc thực thi chương trình bồi dưỡng trong môi trường thực tế như thế nào?...

Cần duy trì thường xuyên việc “phản hồi” đối với người được bồi dưỡng. Ảnh KT internet.

Tận dụng ưu thế của các loại hình đánh giá

 Đổi mới công tác đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ GV và CBQL các cơ sở GD mầm non và phổ thông cần phải giải quyết thỏa đáng các yêu cầu:

- Yêu cầu của việc đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên đối với GV và CBQLGD là: toàn diện, khách quan, chính xác và có tác dụng khuyến khích GV và CBQLGD tự học tập/bồi dưỡng được tốt hơn.

- Nội dung đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên đối với GV và CBQLGD phải phù hợp với phạm vi, mức độ (về kiến thức, kỹ năng, thái độ…) được quy định theo các chương trình bồi dưỡng thường xuyên khác nhau.

- Cần phối hợp, tận dụng ưu thế của các loại hình đánh giá: chính thức, không chính thức với các công cụ đa dạng như trắc nghiệm và tự luận; viết bài thu hoạch; bài tập nhóm; thảo luận… và có thể thực hiện online.

- Các tiêu chí đánh giá kết quả bồi dưỡng (gồm các đáp án và thang điểm) cần được biên soạn rõ ràng, chính xác và công khai đối với GV và CBQLGD, giúp họ biết được các chuẩn mực đánh giá, hình thành năng lực tự đánh giá kết quả bồi dưỡng của bản thân và của đồng nghiệp cùng tham gia bồi dưỡng. Cần duy trì thường xuyên việc “phản hồi” đối với người được bồi dưỡng.

Đánh giá kết quả bồi dưỡng thường xuyên giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là khâu quan trọng, thu thông tin phản hồi, công nhận trình độ, năng lực của người học và cải thiện chất lượng bồi dưỡng/ học tập. Việc kết hợp các hình thức đánh giá và phát huy đánh giá không chính thức, tự đánh giá, đánh giá quá trình, đánh giá online sẽ giúp cho đánh giá phát huy hết tác dụng, vừa đảm bảo yêu cầu khách quan, vừa hỗ trợ người học học tập tiến bộ, đồng thời không tạo áp lực cản trở người học phấn đấu và nâng cao trình độ chuyên môn trong quá trình công tác.

Đặng Thị Huệ lược ghi

Nguồn:  PGS.TS. Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trưởng Khoa QLGD, Trường ĐHSP HN

TS. Nguyễn Quốc Trị, Phó trưởng Khoa Quản lý giáo dục, Trường ĐHSP HN

Nguồn: http://etep.moet.gov.vn

Post by: admin admin
19-07-2018