Tin tức sự kiện

Bồi dưỡng giáo viên – yếu tố then chốt quyết định thành công của đổi mới giáo dục


24-04-2019
Để triển khai CT GDPT mới, lực lượng giáo viên đóng vai trò rất quan trọng, quyết định thành bại của đổi mới GD. Bên cạnh đó là đội ngũ hiệu trưởng trường PT và cán bộ quản lý sở, phòng GD&ĐT, những người trực tiếp tổ chức các hoạt động trong nhà trường, đội ngũ giảng viên sư phạm và quản lý GD. Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch và triển khai tổ chức bồi dưỡng cho 4 đối tượng này để đáp ứng triển khai CT GDPT mới, từ năm học 2020-2021. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông, Giám đốc Dự án RGEP và Chương trình ETEP (Bộ GD&&ĐT) trả lời phỏng vấn của PV Đài Tiếng nói Việt Nam về vấn đề này. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Phóng viên (PV):Thưa ông, thời gian để triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu từ lớp 1 không còn nhiều, sẽ bắt đầu từ năm học 2020-2021. Một trong những vấn đề mà dư luận hết sức quan tâm lúc này là chuẩn bị đội ngũ giáo viên như thế nào cho chương trình giáo dục phổ thông mới? Bộ GDĐT đã có lộ trình cũng như phương án tập huấn đội ngũ GV ra sao?

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (PGS.TS NXT):  Để triển khai CT GDPT mới, lực lượng giáo viên đóng vai trò rất quan trọng, quyết định thành bại của đổi mới GD. Cùng với đội ngũ GV, còn những người trực tiếp tổ chức các hoạt động trong nhà trường đó là đội ngũ Hiệu trưởng trường PT và cán bộ quản lý sở, phòng GD&ĐT. Với ba đối tượng trực tiếp triển khai CT, Bộ đã có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng cho từng đối tượng, đảm bảo cho mỗi đối tượng khi triển khai CT GDPT mới xác định được rõ vai trò, vị trí của mình. Còn một đối tượng thứ tư, không kém phần quan trọng là những người trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD, đó là các giảng viên ở các trường sư phạm và giảng viên quản lý GD. Bộ GDĐT đã xây dựng kế hoạch cụ thể bồi dưỡng 4 đối tượng nói trên.

Chúng tôi tiến hành bồi dưỡng bắt đầu từ các giảng viên sư phạm là những người sẽ phát triển tài liệu và tổ chức việc bồi dưỡng cho 4 đối tượng này. Tiếp theo, sẽ mở rộng ra các giảng viên sư phạm ở các trường sư phạm, là người trực tiếp tham gia vào quá trình biên soạn, cũng như thẩm định tài liệu và tổ chức bồi dưỡng GV, cán bộ QLGD ở cấp trung ương, cũng như các địa phương. 

Từ đội ngũ giáo viên đó, khoảng 1000 giảng viên sư phạm và giảng viên quản lý giáo dục sẽ tiếp tục bồi dưỡng mở rộng thêm cho các đối tượng khác. Chúng ta có 28.000 trường PT, thì cần triển khai bồi dưỡng cho tất cả các trưởng phòng GDĐT, cụ thể là 713 người trên toàn quốc, cùng với lãnh đạo sở, trưởng phòng GD trung học, trưởng phòng GD tiểu học. Chúng tôi ước tính tổng cộng là 1.028 người được bồi dưỡng ở cấp trung ương. 

Trong tổng số 28.000 các thầy cô hiệu trưởng, Bộ sẽ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kỹ cho 4.000 người ở cấp trung ương để họ có thể trở thành nòng cốt, tiếp tục triển khai CT ở địa phương.  Như vậy, cứ 7 hiệu trưởng thì có 1 người được tập huấn rất kỹ ở cấp TW. 

Chuyên gia Úc tập huấn 200 báo cáo viên nguồn tại Hà Nội

Tiếp đó, chúng tôi sẽ tập huấn cho đội ngũ sau này sẽ là người tổ chức các sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường đó là các thầy cô giáo - tổ trưởng chuyên môn. Trong số 28.000 trường đó, chúng tôi sẽ lựa chọn và tập huấn kỹ cho khoảng 7.000 thày cô giáo là tổ trưởng chuyên môn. Như vậy, cứ 4 trường có 1 thầy cô là tổ trưởng chuyên môn được tập huấn ở TW. 

Để triển khai rộng rãi cho toàn bộ GV, sẽ có khoảng 28.000 thầy cô được lựa chọn là giáo viên cốt cán. Trung  bình mỗi trường sẽ có 1 thầy cô là giáo viên cốt cán được tập huấn ở TW. Ở trong mỗi khu vực sẽ có đầy đủ các thầy cô bộ môn và quản lý hoạt động giáo dục được bồi dưỡng để sau này họ sẽ trở thành những người nòng cốt trong triển khai CT đến địa phương. Họ chính là những người hỗ trợ các đồng nghiệp vừa bằng bồi dưỡng qua mạng, vừa bằng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn trong nhà trường. 

Từ việc bồi dưỡng ở cấp TW, với lực lượng đó, các địa phương tiếp tục mở rộng bồi dưỡng tại địa phương mình. Hình thức bồi dưỡng không phải là những GV đó về địa phương dạy cho các thầy cô khác mà là kết hợp bồi dưỡng trực tiếp và bồi dưỡng qua mạng. Các thầy cô giáo ở các trường sẽ trực tiếp truy cập vào nguồn tài liệu trên mạng, các ví dụ minh họa hay các trường hợp nghiên cứu điển hình trên mạng để tự học, tự nghiên cứu, chuẩn bị cho bài học của mình, với sự hỗ trợ của lực lượng nòng cốt mà tôi vừa nói. Những đợt tập huấn này sẽ được triển khai trực tiếp tại nhà trường, chúng tôi gọi là tập huấn tại công việc.

PVNhư vậy là có rất nhiều các đối tượng cần bồi dưỡng như là GV, hiệu trưởng, cán bộ quản lý các đơn vị giáo dục, giảng viên các trường sư phạm. Dự án RGEP vừa tổ chức đợt tập huấn giáo dục phát triển năng lực và triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho 200 BCV nguồn với đợt 1 vừa kết thúc. Thưa ông 200 BCV nguồn này được lựa chọn như thế nào và mục tiêu của đợt tập huấn này là gì?

PGS.TS NXT: Đợt tập huấn bắt đầu với 200 người, chúng tôi gọi là báo cáo viên nguồn. Họ là lực lượng nòng cốt để phát triển tài liệu cho 4 đối tượng ở trên. Họ sẽ phát triển tài liệu không chỉ năm nay mà còn trong những năm tiếp theo. Báo cáo viên nguồn là các thầy cô có trình độ từ Tiến sỹ trở lên ở các trường sư phạm, bao gồm 120 người từ 8 trường sư phạm chủ chốt (tham gia Chương trình ETEP) và một số trường sư phạm đặc thù khác. Họ là người có trình độ chuyên môn trong lý luận và phương pháp dạy học, để sau này họ có thể trực tiếp đào tạo GV trong trường, đồng thời bồi dưỡng GV để triển khai phương pháp dạy học tích cực theo hướng phát triển năng lực học sinh ở các nhà trường. 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lựa chọn khoảng 60 giáo viên giỏi ở các trường PT và một số hiệu trưởng. Họ vừa là những người trực tiếp dạy học, qua các lớp bồi dưỡng họ cũng chính là những người đi đầu trong việc thiết kế bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh để triển khai ở nhà trường, tạo ra những ví dụ điển hình, những bài minh họa như đã nêu ở trên. Cùng với đó, cũng có các chuyên viên của các đơn vị quản lý như chuyên viên của vụ GD Trung học, vụ GD Tiểu học, là những người sau này sẽ chỉ đạo triển khai lan tỏa xuống các sở GDĐT, các phòng GDĐT. 

Khóa tập huấn này, chúng tôi tập trung vào lõi quan trọng nhất của việc đổi mới CT GDPT lần này là định hướng phát triển năng lực. Muốn phát triển năng lực học sinh thì khâu quan trọng nhất là đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, cũng như kiểm tra đánh giá. Chính vì, vậy trong khóa tập huấn 5 ngày vừa rồi, chúng tôi tập trung vào phần đổi mới phương pháp dạy học, làm sao để tổ chức được cho học sinh học một cách tích cực, tự lực thông qua các bài học, để từ đó học sinh sẽ phát triển được các năng lực. 

Như các bạn đã biết, muốn phát triển được năng lực của học sinh thì học sinh làm gì thì tương ứng với nó là cái năng lực đó được phát triển. Ví dụ như học sinh được hướng dẫn để đọc, để lĩnh hội kiến thức từ trong văn bản, thì qua đó học sinh vừa có được kiến thức, vừa phát triển được năng lực đọc hiểu, năng lực ngôn ngữ. Trong quá trình đọc hiểu, bài giảng được thiết kế tạo điều kiện cho học sinh được thảo luận với nhau, được tương tác với nhau thì sẽ phát triển được năng lực giao tiếp hợp tác. 

Sau khi tập trung vào phần lõi đó để tất cả 4 đối tượng thống nhất hiểu rõ được bản chất của giáo dục phát triển năng lực, thì mới có thể tiếp tục tổ chức và thực thi được. Sau khi có được cách hiểu thống nhất, các thầy cô là giảng viên trường sư phạm, trong đó có rất nhiều thầy cô đã đi học tập ở nước ngoài về phương pháp giáo dục phát triển năng lực, sẽ cùng ngồi với nhau, cùng với chuyên gia nước ngoài để xây dựng cách thức tổ chức hoạt động dạy học sao cho đáp ứng được yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất và năng lực.

Chuyên gia Úc tập huấn 200 báo cáo viên nguồn tại Hà Nội

 Với cách nhìn thống nhất đó,  các thấy cô sẽ nghiên cứu CT GDPT mới, tìm hiểu nó với các khía cạnh khác nhau. Từ đó, họ mới có thể viết được tài liệu cho từng đối tượng. Ví dụ như cũng là người nghiên cứu CT nhưng góc độ của người quản lý là khác, góc độ của người hiệu trưởng là khác, góc độ của GV là khác và chính bản thân các thầy cô cũng nhìn với góc độ khác nhau.

 Chính vì vậy, khóa bồi dưỡng vừa rồi của chúng tôi tập trung những ngày đầu vào dạy học phát triển năng lực, rồi sau đó nghiên cứu CT. Chúng tôi sẽ tiếp tục khóa tập huấn tiếp theo để giúp cho 200 BCV nguồn này hiểu rõ nhất về CT và có định hướng tốt nhất trong việc phát triển tài liệu hướng tới mục tiêu là làm sao tất cả các đối tượng này khi triên khai xuống nhà trường phải đảm bảo được việc tạo điều kiện thuận lợi nhất, cũng như phát triển năng lực tốt nhất cho GV để GV có thể tổ chức được các hoạt động trong nhà trường như đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá. Như vậy, sẽ đáp ứng được yêu cầu của CT đổi mới GDPT mới.

PVNhư vậy là 200 BCV nguồn này có nghĩa vụ bồi dưỡng lại cho 4 đối tượng mà chúng ta đã nêu ở trên.  Hình thức bồi dưỡng như ông đã nêu mà Bộ GD&ĐT đưa ra là vừa trực tiếp, vừa trực tuyến. Vậy điều băn khoăn đặt ra là việc triển khai đào tạo qua mạng có đảm bảo chất lượng hay không hay không, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, điều kiện internet còn chưa có?

PGS.TS NXT: Khi mà chúng ta tổ chức các khóa tập huấn trên mạng, nguồn tài liệu được chuẩn bị rất kỹ gồm có tài liệu in, video clip dưới dạng tương tác để GV có thể vừa nghiên cứu, vừa trả lời các câu hỏi và đặt ra các câu hỏi. Các video clip về bài học minh họa giúp các thầy cô nhìn vào đó tham khảo các trường hợp điển hình để đối chiếu giữa lý thuyết với thực tế. Bên cạnh đó,  cũng có những video về phân tích để mỗi người giáo viên khi nghiên cứu bài học đều có thể phân tích bài học theo 12 tiêu chí đánh giá chất lượng dạy học mà Bộ đã hướng dẫn từ năm 2014 đến nay. 

Hiện nay internet đã cơ bản phủ hết mọi vùng, nhưng vẫn có một số nơi sóng điện thoại 3G chưa tới được thì ở một số rất ít địa phương đó các cán bộ cấp sở, cấp phòng sẽ phải có giải pháp. Ví dụ như thay vì dùng internet trực tuyến, tài liệu có thể được tải xuống để chuyển tới các nhà trường để các thầy cô có thể nghiên cứu trên máy tính. Như vậy, sẽ đảm bảo được việc tiếp cận tài liệu nguồn một cách chính thức.

PVMỗi bài giảng, kể cả người làm CT, cũng như người lãnh đạo nên để mở phần kết luận để thầy cô có thể sáng tạo và cả học sinh cũng có thể sáng tạo giống như một bộ phim để mở, chúng ta không kết luận luôn mà để phần kết luận cuối cho khán giả, như vậy sẽ sinh động hơn, hay hơn.

PGS.TS NXT: Vâng, chắc chắn là như vậy. Khi tổ chức các bài học, chúng tôi chỉ đưa ra các phương pháp và cách thức thôi, còn dạy học thì mỗi giáo viên phải là người sáng tạo. Ví dụ, cũng một bài học thì mỗi GV dùng một tình huống khác nhau. Như vậy, việc dạy học sẽ là một quá trình sáng tạo của của GV từ khâu chuẩn bị bài giảng đến khâu tổ chức giảng dạy trên lớp. Tương tự như vậy, đối với học sinh, các thầy cô khi dạy học cũng phải gợi mở. Như tôi đã nói, điều quan trọng nhất là phương pháp dạy học phải làm sao để gợi mở được cho học sinh sự sáng tạo. Kinh nghiệm giáo dục quốc tế, có phương pháp Inquiry, tức là học sinh được gởi mở để tự tìm tòi, khám phá để phát triển tư duy sáng tạo của mình. Đó là điều rất quan trọng mà các thầy cô giáo phải thấm nhuần.

PVVậy theo ông vai trò của các trường sư phạm ra sao trong CT GDPT mới, đặc biệt với việc tập huấn, đào tạo bồi dưỡng GV?

PGS.TS NXT: Với một lực lượng GV rất đông của chúng ta, các thầy các cô đều được đào tạo từ các trường SP. Nên các trường SP đóng vai trò hết sức quan trọng trong đào tạo và bồi dưỡng GV. Chính vì vậy, lần này, Bộ GD&ĐT đã xác định rất rõ vai trò của các trường SP và đã tổ chức nhiều hội nghị về chủ để này.

Chuyên gia Úc tập huấn 200 báo cáo viên nguồn

Các trường SP sẽ phải là các đơn vị nòng cốt biên soạn tài liệu, tổ chức thẩm định và tổ chức bồi dưỡng GV. Bên cạnh dự án Hỗ trợ đổi mới GDPT (RGEP), Bộ còn có Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQLCSGDPT (ETEP). Ngoài 8 trường nòng cốt, thì có thêm một số trường đặc thù sẽ cùng tham gia vào việc phát triển tài liệu và bồi dưỡng GV trong đợt này.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: VOV)

Post by: admin admin
24-04-2019