Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định chất lượng GD-ĐT. Đặc biệt trong quá trình đổi mới giáo dục phổ thông; đổi mới căn bản toàn diện giáo dục… thì hơn bao giờ hết vai trò trách nhiệm thuộc về nhà giáo. Như vậy, vấn đề phát triển đội ngũ nhà giáo kịp thời và phù hợp với tình hình thực tế vô cùng quan trọng.
Nhìn thẳng từ đội ngũ nhà giáo
Không thể phủ nhận, đội ngũ giáo viên phổ thông (GVPT) hiện nay không ngừng phát triển cả về số lượng và trình độ để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy ở các trường phổ thông. Phần lớn họ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, thực hiện tốt quy định của ngành.
Trình độ đào tạo của đội ngũ GVPT đã có bước tiến rõ rệt; năng lực chuyên môn cũng từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của cấp học; công tác tuyển chọn, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá và các chính sách đãi ngộ đối với GV đã được quan tâm…
Tuy vậy, theo TS Hà Mỹ Hạnh - Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang): Công tác xây dựng quy hoạch đội ngũ GV nói chung, GV phổ thông nói riêng, đặc biệt là GV vùng dân tộc thiểu số chưa thực sự được chú trọng… Do đó, dẫn đến tình trạng thừa, thiếu GV cục bộ, đặc biệt là các trường vùng sâu, vùng xa. Nhiều trường còn thiếu GV có trình độ và tay nghề cao. Tỉ lệ GV đạt trình độ trên chuẩn còn chưa cao, GV đạt chuẩn và trên chuẩn chỉ dừng lại ở chuẩn trình độ đào tạo, chưa thể hiện trình độ chuẩn nghề nghiệp.
Nói về công tác đào tạo, bồi dưỡng GVPT có trình độ để làm lực lượng nòng cốt trong trường phổ thông chưa phát huy hiệu quả. Đội ngũ GV còn bất cập về trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm, năng lực hoạt động xã hội và năng lực ngoại ngữ, tin học. Một số kĩ năng của GV chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nhất là kĩ năng dạy theo định hướng phát triển năng lực của HS trong môi trường đa văn hóa, dạy học tích hợp, kĩ năng tự học, tự nghiên cứu… Một số khả năng của GV chưa được phát huy tốt như nghiên cứu bài học, cập nhật tri thức…
Sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo với các Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT và các trường phổ thông trong việc đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng GV chưa được gắn kết chặt chẽ. Chưa tạo được môi trường thực sự tốt về vật chất và tinh thần cho GV và HS. Các chính sách để tạo động lực cho GV toàn tâm toàn ý với công việc; công tác phân cấp quản lý cho các trường phổ thông chưa kịp thời và chưa rõ ràng…
TS Hà Mỹ Hạnh chỉ ra, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bất cập trên nhưng một trong những nguyên nhân chủ yếu là do công tác phát triển đội ngũ GVPT (từ khâu quy hoạch đến chế độ chính sách) còn hạn chế. Để phát triển đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT cần có những giải pháp phù hợp, khả thi trong đó có quan tâm đến việc xây dựng quy hoạch, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá môi trường giáo dục và các chế độ đãi ngộ đối với GV.
Ảnh minh hoạ.
Để GV đáp ứng được yêu cầu đổi mới
ThS Lê Đình Bình - Trường Cán bộ quản lý GD TP Hồ Chí Minh cho rằng: Phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV không nằm ngoài việc phát triển đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT. Phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV là nền tảng của chất lượng GD… Đứng trước yêu cầu đổi mới GD, cần phát triển năng lực nghề nghiệp cho GV ở hai nội dung quan trọng là năng lực chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ.
Nếu như vai trò của phát triển chuyên môn là để hỗ trợ GV trong việc xây dựng lý thuyết và kĩ năng thực hành sư phạm, giúp họ phát triển năng lực nghề nghiệp của mình trong lĩnh vực dạy học… thì phát triển năng lực nghiên cứu khoa học công nghệ sẽ góp phần vào việc nâng cao trình độ, năng lực cho GV, qua đó nâng cao chất lượng dạy học, công việc giảng dạy phải gắn liền với nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu để khám phá, để phát huy năng lực, trí tuệ, để đào tạo lại chính mình. Đây là con đường tích lũy kiến thức, gọt sắc tư duy, góp phần tìm ra những hình thức, biện pháp thích hợp truyền đạt tri thức tới người học…
Còn theo quan điểm của TS Hà Mỹ Hạnh, phát triển đội ngũ GV đáp ứng yêu cầu GDPT cần đồng loạt triển khai nhiều biện pháp. Trước hết xây dựng quy hoạch phát triển đội ngũ GV ở các cơ sở. Biện pháp này bảo đảm cho đội ngũ phát triển về số lượng, cơ cấu hợp lí, chất lượng được củng cố và nâng cao đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT. Cùng đó, đổi mới tổ chức đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ GVPT theo chuẩn nghề nghiệp.
Đây là biện pháp tạo cơ hội cho đội ngũ GVPT cả về chuẩn đào tạo, chuẩn nghề nghiệp. Biện pháp này cần thực hiện đối với các trường sư phạm và các cơ sở giáo dục và đào tạo thực hiện đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức và kiểm tra đánh giá trong chương trình đào tạo và bồi dưỡng GV…
Mặt khác, cần đổi mới công tác sử dụng đội ngũ GVPT theo năng lực nghề nghiệp phù hợp với vùng miền. Biện pháp này sẽ phát huy được hết khả năng, năng lực, điểm mạnh của từng GVPT trong quá trình công tác; Tăng cường công tác kiểm tra đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ GVPT theo chuẩn nghề nghiệp. Xây dựng cơ chế chính sách, quan tâm về vật chất, tinh thần cho đội ngũ GV phổ thông…
TS Phạm Thị Kim Anh - Viện Nghiên cứu Sư phạm - Trường ĐHSP Hà Nội lại cho rằng: Phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ GVPT đáp ứng yêu cầu GDPT mới cần tiến hành hai giải pháp. Trong đào tạo GV tại các trường SP, cần đổi mới thiết kế lại chương trình đào tạo GV theo mục tiêu phát triển năng lực nghề nghiệp và sự thay đổi của Chương trình SGK mới. Đổi mới công tác tuyển sinh để lựa chọn những thí sinh vào sư phạm có năng lực dạy học tốt.
Theo Trí Đức (GD&ĐT)