Tin tức sự kiện

Đào tạo giáo viên “vừa học, vừa làm”


11-04-2019

Từ thập kỷ 80, dưới sự chỉ đạo của GS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, trường ĐHSP Hà Nội đã tiến hành một chương trình nghiên cứu đào tạo giáo viên theo phương thức “vừa học vừa làm”.

Theo GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, chuyên gia Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP) - đây là phương thức tiếp cận với những thành tựu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng giáo viên.

Sinh viên Trường ĐH Đồng Tháp - một cơ sở đào tạo giáo viên ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - trong lễ tốt nghiệp. Ảnh: HN

“Nhúng” ngay sinh viên sư phạm vào môi trường phổ thông

Theo GS Đinh Quang Báo, bản chất của phương thức đó là sinh viên ngay lúc mới vào trường sư phạm đã được gửi về trường phổ thông. Ở đó, họ làm quen với tất cả các công việc của một giáo viên ở nhà trường phổ thông; được học lý thuyết về nghề nghiệp trong bối cảnh nhà trường phổ thông. Từ lý thuyết đó, sinh viên được vận dụng để thực hiện hoạt động dạy học, giáo dục. Sinh viên được giáo viên phổ thông và giảng viên sư phạm cùng phối hợp hướng dẫn từng kĩ năng nghề nghiệp. Đây là mô hình làm bằng học và học bằng làm được kết nối với nhau.

Thể hiện tâm huyết với mô hình này, GS Đinh Quang Báo cho biết, một khóa học theo mô hình thực nghiệm của GS Nguyễn Cảnh Toàn kéo dài 5 năm được chia làm 3 thời kỳ: Thời kỳ huấn luyện phương pháp, thói quen tự học; thời kỳ tập dượt về nghề nghiệp và thời kỳ vừa học, vừa làm thầy.

Sau 1 năm thử thách về tự học (thời kỳ huấn luyện phương pháp, thói quen tự học), thời kỳ tập dượt về nghề nghiệp bắt đầu tư năm thứ 2. Theo đó, từ năm thứ 2 và 3, sinh viên được chia thành từng tổ 15 - 30 người về các trường phổ thông, tập dượt làm giáo viên; đồng thời vẫn dành ra 2/3 thời gian để tiếp tục tự học chương trình ĐHSP (có hướng dẫn).

Trường phổ thông lo cho sinh viên ăn, ở sinh hoạt chính trị văn nghệ, thể dục thể thao, quân sự và thực tập nghề nghiệp theo sự hướng dẫn thống nhất của trường ĐHSP. Các hoạt động này chiếm khoảng 1/3 thời lượng. Thời gian còn lại, học sinh tiếp tục tự học chương trình ĐHSP… Cuối thời kỳ này, sinh viên phải qua 3 tuần thực tập sư phạm toàn diện (lần đầu bước lên bục giảng). Yêu cầu chính của thời kỳ này là bước đầu hình thành phẩm chất và năng lực người thầy xã hội chủ nghĩa, củng cố thêm thói quen và phương pháp tự học.

Thời kỳ vừa học, vừa làm thầy bắt đầu từ năm thứ 4. Ở đó, sinh viên được phân công như giáo viên thực thụ, chỉ khác là khối lượng giờ giảng ít hơn (khoảng 1/3 số giờ giảng của giáo viên thực thụ). Thời giờ còn lại dùng để tự học nhằm hoàn thành nốt chương trình ĐHSP và tiến hành một công trình nghiên cứu khoa học nhỏ làm khóa luận tốt nghiệp. Nội dung đề tài nghiên cứu gắn với hoạt động giáo dục, giảng dạy.

Hình thức đào tạo này có thể gọi là hình thức “vừa học ĐHSP, vừa làm thầy giáo” hoặc gọi vắn tắt là hình thức (hệ) vừa học vừa làm nhằm tăng cường sự tiếp xúc giữa thầy giáo ĐHSP và học sinh, trải nghiệm thực tiễn, sử dùng phương tiện kỹ thuật (truyền thanh, truyền hình, ghi âm) và cách gửi thư trong quá trình học tập. Sinh viên được “tắm mình” trong môi trường phổ thông là ưu điểm thấy rõ của mô hình này.

 SV sư phạm tìm kiếm thông tin tại Ngày hội việc làm. Ảnh: Internet

Một gợi ý đáng suy ngẫm về đào tạo giáo viên

Đến năm 1980, đã có gần một nghìn học sinh thuộc 6 tỉnh, thành (Hà Nam Ninh, Hải Phòng, Hải Hưng, Thanh Hóa, Hà Sơn Bình, Quảng Ninh) đang theo học hệ này ở 4 loại khoa: Toán - Văn - Sinh - Kỹ thuật Công nghiệp thuộc 2 Trường ĐHSP Hà Nội 1 (nay là Trường ĐHSP Hà Nội) và Việt Bắc.

Theo thống kê tuyển sinh năm 1980, số đơn nộp thi vào hệ này của Trường ĐHSP Hà Nội 1 đã gần gấp năm lần con số dự định tuyển. Qua 3 năm thực nghiệm, khi so sánh kết quả của 2 nhóm sinh viên, nhóm sinh viên được đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm có nhiều ưu việt hơn trong kĩ năng thực hành và họ không bỡ ngỡ với nhà trường phổ thông khi mới ra trường.

Một điểm đáng chú ý khác của mô hình này là hình mẫu được thiết kế trên cơ sở nhận thức học sinh tốt nghiệp phổ thông vào loại trung bình có thể tự học chương trình ĐH, nếu được tổ chức tốt quá trình học tập và đào tạo. Điều này được chứng minh trong thời gian thực nghiệm mô hình. Theo đó, hơn 1.000 người, ở 6 địa phương có những hoàn cảnh khác nhau, học ở những khoa khác nhau đã tự học, tự nghiên cứu (có tổ chức và lãnh đạo nghiêm túc), trong đó có gần 250 người đã tự học được 4 năm và phần lớn đạt kết quả khá và trung bình.

Cho đến nay, vấn đề tự đào tạo của sinh viên còn yếu. Nhưng với mô hình của GS Nguyễn Cảnh Toàn, “tự đào tạo” trở thành lẽ tồn tại của người học. Sinh viên chỉ có 2 con đường: Thắng được tư tưởng ỷ lại, ngại khó phấn đấu tự đào tạo tốt để vươn lên hoặc tự đào thải. Và thực tế rất ít sinh viên theo học mô hình này chịu “bó tay” để tự đào thải, phần lớn đã vươn lên; mỗi người tự xây dựng được cho mình một phương pháp tự học, tự nghiên cứu và sau 4 năm phấn đấu gian khổ, có người đã bắt đầu có hứng thú tự học.

Thiếu tài liệu tự học, sinh viên phân công nhau đi tìm vào các tủ sách gia đình, chia nhau chép tay, có những người chép được hàng trăm trang, sau 4 năm học nhiều người đã có được tủ sách riêng cho mình. Cơ chế này cũng đã buộc người học sớm rèn luyện khả năng nghề nghiệp, tư thế, tác phong thầy cô giáo, bởi vì họ tiếp xúc với học sinh phổ thông rất sớm và lâu ngày tại trường phổ thông.

"Có thể nói, đây là một phương thức tiếp cận với những thành tựu tiên tiến trên thế giới trong lĩnh vực đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Tiếc rằng, vào những năm 80, sự giao lưu giữa Việt Nam với thế giới là chưa nhiều, nên phương thức này chưa được quan tâm đúng mức để vận dụng trong thực tiễn. Điều đó cho thấy rằng, trong thời điểm hiện nay chúng ta cần phải tiếp tục mô hình đó một cách rộng rãi hơn và xem đó là một phương thức mới, tiên tiến với Việt Nam hiện nay" - GS Đinh Quang Báo chia sẻ.

Đào tạo giáo viên cũng như bồi dưỡng giáo viên hiệu quả nhất là phương thức diễn ra trong quá trình tác nghiệp tại nhà trường phổ thông. Đó là một phương thức đào tạo giáo viên tiên tiến đã được phổ biến trên thế giới. Phương thức đó được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau. Ví dụ, phương thức đào tạo giáo viên tại thực địa, phương thức “lâm sàng”… Đinh Quang Báo.

Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)

Post by: admin admin
11-04-2019