Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2019 đã được Bộ GDĐT ban hành.
Theo kế hoạch, sẽ triển khai bồi dưỡng cho 200 báo cáo viên nguồn, 800 giảng viên sư phạm/giảng viên quản lí giáo dục chủ chốt; 6.956 tổ trưởng chuyên môn và 28.000 giáo viên cốt cán; 4.000 Hiệu trưởng; 1.028 CBQL cấp sở GDĐT, phòng GDĐT.
Kế hoạch tổ chức bồi dưỡng của Bộ GDĐT xác định 4 nhóm đối tượng chính, gồm: giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên phổ thông, hiệu trưởng các trường phổ thông, CBQL cấp sở GDĐT, phòng GDĐT. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào việc hướng dẫn triển khai chương trình GDPT mới phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mỗi đối tượng trên, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Triển khai thực hiện chương trình GDPT mới và những yêu cầu đặt ra đối với từng đối tượng được bồi dưỡng. Trong đó có mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, phương pháp và hình thức đánh giá kết quả giáo dục theo chương trình GDPT mới.
Kế hoạch và nhiệm vụ đặt ra đối với từng đối tượng được bồi dưỡng theo yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPT mới: Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của giảng viên sư phạm chủ chốt; hoạt động dạy học của giáo viên phổ thông; hoạt động tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn của hiệu trưởng cơ sở GDPT; hoạt động chỉ đạo, điều hành của CBQL cấp sở GDĐT, phòng GDĐT.
Thứ 2: Tăng cường năng lực cho mỗi đối tượng được bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình GDPT mới. Trong đó có tăng cường năng lực đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông cho giảng viên sư phạm chủ chốt; tăng cường năng lực đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá cho giáo viên phổ thông; tăng cường năng lực tổ chức, quản lý các hoạt động chuyên môn cho hiệu trưởng cơ sở GDPT; tăng cường năng lực chỉ đạo và tổ chức triển khai chương trình GDPT mới cho CBQL cấp sở GDĐT, phòng GDĐT.
Phương thức tập huấn, bồi dưỡng kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, trong đó sử dụng tối đa đào tạo trực tuyến; tài liệu được số hóa và đưa lên mạng để các học viên tham khảo, nghiên cứu trước và có thể tiếp cận vào mọi lúc mọi nơi. GV, CBQL có thể vừa nghiên cứu tài liệu, vừa sự tương tác chặt chẽ với các giảng viên sư phạm qua mạng. Các khóa tập huấn trực tiếp được tổ chức sau đó, chú trọng việc thảo luận các nghiên cứu điển hình và giải đáp những vấn đề cần làm rõ.
Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục chủ trì, phối hợp với Vụ Giáo dục Trung học, Vụ Giáo dục Tiểu học, Vụ Giáo dục Thường xuyên chỉ đạo; Ban Quản lý chương trình ETEP và Ban Quản lý dự án RGEP là đầu mối tổ chức. Các trường ĐHSP và Học viện Quản lý giáo dục phối hợp với các sở GDĐT triển khai thực hiện.
Các sở GDĐT chủ động xây dựng kế hoạch bồi dưỡng của địa phương phù hợp với kế hoạch của Bộ GDĐT, cử giáo viên và CBQL cốt cán tham gia bồi dưỡng, đồng thời triển kai bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, CBQL cơ sở GDPT đại trà theo đúng tiến độ.
Theo Hải Bình (GD&TĐ)