Việc xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng, không tổ chức thi giáo viên giỏi.
Ảnh minh họa/internet
Thông tin trên được Bộ GD-ĐT đưa ra tại cuộc họp báo định kỳ ngày 26-3, xem như một trong nhiều giải pháp giảm áp lực cho giáo viên.
Trước đó, ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ GD-ĐT, khẳng định năm 2019 sẽ tập trung vào việc giảm áp lực cho giáo viên.
Tại cuộc họp báo, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, bộ đang xây dựng dự thảo sửa đổi quy định về thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi... Sửa đổi cơ bản sẽ là chuyển từ thi sang xét, dựa vào các tiêu chí cốt lõi của chuẩn đã ban hành.
Cụ thể, giáo viên chủ nhiệm giỏi gắn với các tiêu chí cốt lõi về giáo dục, giáo viên dạy giỏi gắn với tiêu chí về giảng dạy trong chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
"Việc xét giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi sẽ được xem xét qua sự tiến bộ của học sinh, sự tín nhiệm của phụ huynh, học sinh và cộng đồng" - ông Hoàng Đức Minh khẳng định.
Cũng theo ông Minh, dù hướng là "chuyển từ thi sang xét" nhưng những hoạt động thi, giao lưu, sinh hoạt chuyên môn của giáo viên sẽ duy trì nhằm chia sẻ kinh nghiệm, khích lệ sáng tạo.
Ông Hoàng Đức Minh - cục trưởng Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT - trao đổi cùng báo chí ngày 26-3 - Ảnh: BÁ HẢI
"Việc xét giáo viên giỏi nhằm mục đích tôn vinh nhà giáo, lan tỏa sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên chứ không gắn với thi đua của ngành để giảm áp lực cho giáo viên" - ông Minh khẳng định.
Hiện dự thảo này đang hoàn thiện để lấy ý kiến góp ý rộng rãi. Theo ông Hoàng Đức Minh, trước khi xây dựng dự thảo Bộ GD-ĐT đã có sự rà soát, kiểm tra thực tế, lấy ý kiến của các cơ sở, giáo viên nhiều vùng miền để đánh giá những mặt tích cực cũng như tiêu cực xung quanh việc thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi.
Theo tuoitre.vn