Tin tức sự kiện

Bồi dưỡng GV&CBQLGDPT- Cần sự vào cuộc của các trường sư phạm


04-03-2019

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Có 4 nhóm đối tượng tập trung bồi dưỡng, gồm: Cán bộ quản lý sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT; giảng viên cốt cán các trường sư phạm; hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên phổ thông.

Ngày 28/2/2019, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Các trường sư phạm triển khai nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông thực hiện chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. 

Tham dự Hội nghị có đại diện Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thôngvà các  Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT, Ban quản lý các dự án, Chương trình ETEP, Dự án RGEP, các trường đại học sư phạm và học viện tham gia Chương trình ETEP, đại diện một số trường phổ thông và các Sở, Phòng GD&ĐT. 

Phát biểu chỉ đạo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, nhiệm vụ bồi dưỡng GV, CBQL vừa trước mắt, vừa lâu dài, là nhiệm vụ rất quan trọng và chỉ thành công khi có sự vào cuộc thực sự của các trường sư phạm.

Bốn nhóm đối tượng cần tập trung bồi dưỡng

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo, cần tập trung bồi dưỡng cho 4 nhóm đối tượng.

Thứ nhất là đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD). Đó là cán bộ Sở, Phòng Giáo dục. Họ phải sẵn sàng đổi mới, cần nhất là bồi dưỡng năng lực quản lý sự thay đổi, quản trị nhà trường. Chương trình bồi dưỡng cho đối tượng này rất quan trọng, trước mắt chọn 2-3 chuyên đề mang tính nền tảng, sau đó tiếp tục mở rộng và chú trọng việc chia sẻ kinh nghiệm tốt. Và để có chương trình bồi dưỡng phù hợp, cần tìm hiểu nhu cầu bồi dưỡng của  CBQLGD.

Thứ hai là nhóm giảng viên cốt cán các trường sư phạm. Nhóm giảng viên cốt cán này bắt buộc có sự tham gia của giáo viên xuất sắc ở các trường phổ thông, được bồi dưỡng chung... Mỗi tỉnh ít nhất có 1 giáo viên xuất sắc đại diện. Việc bố trí giáo viên phổ thông vào nhóm giảng viên cốt cán, cùng chia sẻ kinh nghiệm, thấu hiểu nhu cầu, có sự phản biện tại chỗ giúp cho chương trình bồi dưỡng thực sự hiệu quả. 

Thứ ba là nhóm các hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông (CBQLCSGDP), bao gồm công lập và ngoài công lập. Đây là lực lượng quan trọng cần hiểu rõ chương trình GDPT mới và cần ưu tiên bồi dưỡng, đặc biệt là những kiến thức về quản trị nhà trường. Chương trình bồi dưỡng cho nhóm này cần thiết kế theo hướng chia sẻ, thảo luận và chọn những hiệu trưởng quản lý giỏi để chia sẻ kinh nghiệm. 

Thứ tư là nhóm các giáo viên phổ thông. Trong nhóm này, có một số là cốt cán. Việc lựa chọn cốt cán cần căn cứ vào năng lực thực tế, khả năng, sự sẵn sàng, không nặng về hồ sơ, bằng cấp, để cốt cán phải thực sự là cốt cán. Đây là những hạt nhân không chỉ vững chuyên môn, kinh nghiệm mà còn là những hạt nhân về đổi mới, có tâm huyết đổi mới, nhiệt tình chia sẻ với đồng nghiệp.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ.

“Chưa có trực tuyến sẽ chưa cho phép trực tiếp”.

Mỗi nhóm đối tượng có mục đích yêu cầu bồi dưỡng khác nhau, nhưng đều được bồi dưỡng 2 chuyên đề chung mang tính chất hướng dẫn, gợi mở, đó là: Giới thiệu chương trình GDPT mới và SGK. Bộ trưởng chỉ đạo, cần xây dựng các chuyên đề bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, tránh rườm rà, thiếu tính thực tế.

Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ tập hợp các nhóm chuyên gia phối hợp với trường để tập trung trí tuệ để xây dựng chương trình bồi dưỡng đạt chất lượng tốt.  Đồng thời, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu từ các sở, phòng, cơ sở giáo dục, lắng nghe từ đội ngũ giáo viên đề xuất các chuyên đề bồi dưỡng. 

Trong xây dựng tài liệu bồi dưỡng, cần bám sát nội dung chương trình GDPT mới và chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông. Chuyên đề nào cấp bách ưu tiên trước, chuyên đề nào chưa cấp bách cần có lộ trình, tránh bồi dưỡng dồn dập, phân tán, thiếu hiệu quả.

Bộ trưởng yêu cầu, chương trình bồi dưỡng và chương trình đào tạo về cơ bản phải có các trục liên thông, xác định điểm cốt lõi, tính đặc thù để thuận lợicho việc bồi dưỡng chuyển đổi giữa các cấp học. Đây là vừa là bài toán thực tế, vừa là cơ hội để ngành giáo dục cân đối, khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên đang diễn ra ở một số địa phương.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng lưu ý tính thống nhất trong nội dung chương trình, hướng tới một chương trình dùng chung cho cả hệ thống đào tạo sư phạm. Bởi chính sự thiếu thống nhất đã dẫn tới khoảng cách chất lượng giữa các trường trong hệ thống thời gian qua. Chuẩn chương trình đào tạo phải tiếp cận với chuẩn quốc tế. Cả nước phải theo chuẩn chương trình thống nhất, không thể mỗi trường có một “chuẩn” khác nhau. 

 “Thiết kế chương trình thế nào phương pháp phải đi kèm như thế” - Bộ trưởng nhấn mạnh, các tài liệu phải được biên tập ngắn gọn, nghiệm thu nghiêm túc, đa dạng về hình thức: e-book, bài giảng điện tử, video tương tác, hỏi – đáp. Khuyến khích tài liệu bồi dưỡng xây dựng dưới dạng nghiên cứu trường hợp (case study) dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hiện. Các tài liệu này được công khai trên mạng, nhiều kênhthông tin khác nhau để GV và CBQL CSGD PT cũng như phụ huynh, học sinhdễ tiếp cận, dễ giám sát và đánh giá.

Kiến thức kỹ năng phải thực sự thiết thực với từng nhóm đối tượng, khả thi và hấp dẫn.Điều quan trọng là thiết kế theo hướng gợi mở cho học viên tự học, không “cầm tay chỉ việc”, dễ sử dụng để người học có thể học mọi lúc, mọi nơi.

Quá trình bồi dưỡng cần được triển khai theo hình thức kết hợp tự học qua mạng trước; trao đổi, thảo luận trực tiếp sau và tiếp tục tự học, tự tích lũy, hoàn thiện với sự hỗ trợ của đội ngũ cốt cán. 

Đề cập tới việc xây dựng chương trình bồi dưỡng chủ yếu theo hướng trực tuyến, Bộ trưởng khẳng định, chưa có trực tuyến sẽ chưa cho phép trực tiếp. Đối với hình thức trực tiếp, Bộ trưởng cũng lưu ý, phải tổ chức theo hướng để người học được chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường giải đáp, gợi mở cho học viên trao đổi. Mỗi người chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức của mình, từ đó, hoàn thiện chương trình bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, hoạt động đánh giá cũng đặc biệt quan trọng. Bộ trưởng nhấn mạnh, không thể tách rời đánh giá với quá trình thiết kế chương trình, tổ chức bồi dưỡng. Cần kiểm tra đánh giá cả quá trình bồi dưỡng và kết quả của từng chuyên đề để đảm bảo chất lượng. 

“Bồi dưỡng phải “đánh bật” được cái cũ thì mới đưa cái mới vào được”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Theo ông Hoà, cái khó là GV lâu nay chỉ quen dạy theo SGK, chưa quen dạy theo mục tiêu giáo dục. Vì vậy, phải làm thay đổi tư duy của GV, CBQL, phải “đánh bật” được cái cũ ra, quan điểm cũ, cách dạy cũ thì mới đưa cái mới vào được, và muốn làm cho “cái cũ” không thể quay lại thì  phải bồi dưỡng thường xuyên một cách quyết liệt thì mới thay đổi được.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội.

Nội dung chương trình phù hợp với đối tượng, phương thức bồi dưỡng đáp ứng được nhu cầu của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, đó là điều đại diện các trường phổ thông mong đợi. 

Để triển khai chương trình bồi dưỡng hiệu quả, ông Hoà cho rằng, trước hếtphải bồi dưỡng về sự khác biệt cơ bản của chương trình GDPT mới so với chương trình cũ, khác biệt về mục tiêu, quan điểm, triết lý giáo dục, tư tưởng xuyên suốt là chuyển đổi giáo dục chủ yếu từ cung cấp kiến thức sang nền GD đào tạo con người, hình thành phẩm chất, phát triển năng lực; Phải bồi dưỡng cho giáo viên thay đổi quan điểm dạy học, cần “bẻ ghi” để giáo viên hiểu được là đào tạo con người chứ không phải đơn thuần cung cấp kiến thức. 

Còn bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội thì đề nghị, cách thức bồi dưỡng lần này nên chú trọng hướng dẫn cách làm chứ không phải cung cấp nội dung. 

Bà Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội.

Theo bà Nhiếp, “hiệu trưởng cũng cần được tham gia bồi dưỡng một số chuyên đề cùng giáo viên, nắm bắt được khung bồi dưỡng GV để đồng hành cùng GV và giám sát.Với GV cốt cán, bà Nhiếp góp ý, cần chọn người có khả năng truyền cảm hứng, kết nối, có kỹ năng tổ chức hoạt động để học viên tương tác, trao đổi, để người học mong muốn đổi mới. Điều này cực kỳ quan trọng”.

Về quản lý hoạt động bồi dưỡng, bà Nhiếp đề xuất, cần quan tâm đến quản lý, kiểm soát để có thể điều chỉnh kịp thời về nội dung, phương thức bồi dưỡng cho những khóa bồi dưỡng tiếp theo. 

Ở góc độ người làm công tác quản lý, ông Lê Đức Thuận - Phó trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm, Hà Nội kiến nghị, về giảng viên làm công tác bồi dưỡng thì ngoài tiêu chuẩn, tiêu chí, việc đánh giá của người học là yếu tố quan trọng để đảm bảo chất lượng bồi dưỡng. Cho nên, trong quá trình bồi dưỡng, cần quan tâm khâu lấy ý kiến phản hồi về chương trình, chất lượng báo cáo viên, tài liệu, vv...Và việc đánh giá cần được lượng hoá trên cơ sở ứng dụng các phần mềm CNTT.

Cũng tại hội nghị này, đại diện các trường sư phạm đã đề xuất các chuyên đề cần bồi dưỡng, việc đề xuất này theo đại diện các trường là dựa trên khảo sát nhu cầu thực tiễn của giáo viên, CBQLGD tại các địa phương và kinh nghiệm từ quá trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên của nhà trường. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội đề xuất các chuyên đề bồi dưỡng cho từng nhóm đối tượng, nhấn mạnh một số chuyên đề về phân cấp thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Xây dựng kế hoạch phát triển chương trình khung và chương trình môn học; đổi mới quản lý trong nhà trường. Ông Minh cho rằng, cách tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng giao cho các trường sư phạm, theo hình thức cạnh tranh là phù hợp. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội.

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Tp Hồ Chí Minh chia sẻ, các chuyên đề bồi dưỡng do nhà trường thiết kế đều căn cứ vào chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng và yêu cầu thực hiện chương trình GDPT mới. Sau đó, tham vấn các Sở, Phòng GDĐT và giáo viên phổ thông. Ví dụ 1 số mô-đun như: Các vấn đề chung và định hướng triển khai CT GDPT mới; Kỹ thuật tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục trong CT mới;  Quản lý sự thay đổi trong bối cảnh đổi mới chương trình GDPT...

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Tp Hồ Chí Minh.

Đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đội ngũ cốt cán 

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ Phó Vụ Trung học phổ thông, Giám đốc dự án RGEP và Chương trình ETEP cho biết: Theo kế hoạch, đến năm 2021 sẽ hoàn thành bồi dưỡng cho đối tượng cốt cán bao gồm: 800 giảng viên sư phạm, 1.000 cán bộ quản lý cấp sở/phòng, 4.000 hiệu trưởng, 35.000 giáo viên phổ thông và hoàn thành bồi dưỡng đại trà cho khoảng 3.500 cán bộ quản lý cấp Sở/Phòng.

Nội dung bồi dưỡng giáo viên, tập trung vào phát triển chuyên môn nghiệp vụ: Xây dựng kế hoạch dạy học và giảng dạy, sử dụng phương pháp dạy học và giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực người học; tư vấn hỗ trợ học sinh; ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng thiết bị dạy học, giảng dạy.

Nội dung bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, tập trung vào tăng cường năng lực quản trị nhà trường, gồm: Tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường; quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh; quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học; quản trị chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Đặng Thị Huệ

(Nguồn: http://etep.moet.gov.vn)

Post by: admin admin
04-03-2019