Theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh - Hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), dù các chiều cạnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không diễn ra một cách đồng thời, nhưng nó bắt đầu có những ảnh hưởng đến nền giáo dục hiện hành và định hình cho tương lai của giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng của các nước.
Tạo ra sự đổi mới sáng tạo
GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: Để nắm bắt những cơ hội, hạn chế những thách thức của cuộc cách mạng này, nền giáo dục trong các quốc gia cũng có những chuyển đổi tương ứng, tạo thành một hình thái mới mà nhiều người gọi là nền giáo dục 4.0.
Về bản chất, nền giáo dục 4.0 là sự ứng dụng của nền công nghiệp 4.0 trong giáo dục. Đó là một nền giáo dục thông minh với sự phát triển mạnh mẽ của các trường học thông minh, theo đó, sự giáo dục hiện diện khắp mọi nơi với việc kết nối giữa người, vật thể và máy móc.
"Trong giáo dục đại học, một đại học thông minh phải tạo ra một sự học tập được cá nhân hóa, một phương thức giáo dục hoàn toàn khác với giáo dục mang tính đại trà hay tinh hoa hiện nay.
Hệ thống kết nối con người – vật thế - máy móc tạo thành một hệ sinh thái dạy và học mới, chuyến đổi thiết chế giáo dục thành một hệ thống sinh thái tạo ra sự đổi mới sáng tạo" - GS.TS Nguyễn Quý Thanh trao đổi.
_Trong giảng đường chỉ là một trong các nguồn thông tin. Các khóa đào tạo trực tuyến mở ngày càng phổ biến làm tăng sự lựa chọn cho người học và gia tăng cạnh tranh với các danh thức trường học truyền thống. Các chương trình giáo dục trên các phương tiện truyền thông đại chúng cung cấp những kiến thức thay cho nhiều giảng đường truyền thống".
GS.TS Nguyễn Quý Thanh: Một đại học thông minh phải tạo ra một sự học tập được cá nhân hóa.
Những đặc trưng mới
Cũng theo GS.TS Nguyễn Quý Thanh, khi chuyển đổi căn bản từ thiết chế giáo dục truyền thống sang nền giáo dục tương lai (giáo dục 4.0), trường đại học theo mô hình mới có những đặc trưng mới như sau:
Thứ nhất, nếu như trọng tâm của giáo dục truyền thống là “dạy dỗ”, học “để làm việc” hay gần đây là học để “tạo tri thức mới”, thì nền giáo dục 4.0 hướng đến việc xây tạo ra những người sáng tạo và tạo lập giá trị.
Thứ hai, trong một giáo dục 4.0, các chương trình mang tính liên ngành sang xuyên ngành nhiều hơn. Xuất hiện những ngành đào tạo mới giáp ranh giữa các lĩnh vực. Ranh giới phân loại truyền thống của khoa bị mờ đi rất nhiều.
Thứ ba, công nghệ giáo dục chuyển đổi từ “bút và giấy” trong truyền thống, hay dùng “máy tính cá nhân”, gần đây là “điện thoại và internet” để sang kỷ nguyên “vạn vật kết nối”
Thứ tư, về năng lực số hóa (Digital Literacy), đội ngũ giáo viên và người học từ chỗ “sợ và trốn tránh” số hóa, sang tiếp cận nó như những người “sơ khai”, rồi thành người “thành thạo”. Thế nhưng, trong kỷ nguyên của nền giáo dục 4.0, cả giáo viên và học sinh đều trở thành những “công dân số” (digital citizen).
Ảnh minh hoạ/internet
Thứ năm, việc giảng dạy cũng thay đổi căn bản. Nếu như trong mô hình giáo dục cổ điển việc giảng dạy một chiều rất phổ biến thì trong các giai đoạn sau này, việc dạy học không chỉ là tương tác hai chiều (giáo viên – người học), mà là tương tác nhiều chiều (nhiều người học – nhiều giáo viên) thông qua sự kết nối vạn vật.
Thứ sáu, về khuôn viên, trường học sẽ không bị đóng khuôn trong một khuôn viên vật lý, mà hoạt động thông quá một hệ sinh thái mở rộng, kết nối vạn vật, không bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Do đó, khái niệm về giảng đường, phòng thí nghiệm, thực hành cũng sẽ có nhiều thay đổi.
Thứ 7, sản phẩm của nền giáo dục 4.0 hướng đến việc không phải chỉ là đào tạo ra những lao động lành nghề, những công nhân trí thức, mà nền giáo dục đó phải đào tạo ra những người sáng tạo và sáng nghiệp.
Cho rằng, trong nền giáo dục 4.0, việc cá nhân hóa học tập là trọng tâm, GS.TS Nguyễn Quý Thanh nhấn mạnh: Điều đó sẽ trở nên dễ dàng hơn với ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo khi nó dự đoán được các thông tin mà người học cần dựa trên các lựa chọn trong quá khứ hay các hành động trong hiện tại, thậm chí cả biểu cảm.
Thực tại tăng cường sẽ giúp cho người học kết nối nhanh chóng các thông tin liên quan đến vật thể được quan tâm. Kết nối nàytương tự kết nối siêu văn bản của mạng internet hiện nay.
Những thông tin thu nhận được có tính liên ngành, xuyên ngành rất cao. Thực tại ảo sẽ giúp người học có thể tiếp xúc, hình dung với hiện vật, hình ảnh một cách gần thực tế nhất, giúp người học có được nhiều thông tin và trải nghiệm nhất với những hiện thực mà thông thường chúng ta khó tiếp cận đầy đủ.
"Chính với sự trợ giúp của Trí tuệ nhân tạo, Thực tại Ảo và Thực tại tăng cường, người học không phải học những kiến thức có sẵn, mà luôn phải tìm cách sáng tạo ra những giá trị mới. Đây là một thách thức cần phải vượt qua, bởi vì, những gì thuộc mức “học thuộc”, “tự động hóa” sẽ được các robot thông minh đảm nhận. Vai trò của người học là cần sáng tạo, đổi mới liên tục để có thể điều khiển các hệ thống thông minh, chứ không phải là nô lệ của chúng" - GS.TS Nguyễn Quý Thanh.
Theo Minh Phong (GD&TĐ)