Tin tức sự kiện

Giảng viên với vai trò “người thiết kế”


21-08-2018

Trên cơ sở phân tích một số nét về đối tượng đào tạo ở bậc ĐH, PGS.TS Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ một số vấn đề về nhiệm vụ của giảng viên, với vai trò người “thiết kế” trong quá trình dạy và học.

Thực hiện nghiêm ngặt hơn “thầy thiết kế, trò thi công”

Đào tạo theo học chế tín chỉ, đòi hỏi phải phát huy cao độ vai trò chủ đạo của thầy và vai trò chủ động của trò,thầy thiết kế, trò thi công, thầy và trò cùng làm việc. Điều đó vốn là nguyên tắc của dạy học theo hướng tích cực, nhưng trong đào tạo theo tín chỉ thì càng phải thực hiện nghiêm ngặt hơn, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Để tôn trọng tính chủ động, sáng tạo của người học, giảng viên không nên và không thể áp đặt, buộc người học chấp nhận một cách máy móc những quan điểm mà người dạy có được do kết quả nghiên cứu của mình. Để làm được điều này, giảng viên không truyền đạt thông tin một chiều cho sinh viên, mà rất cần thiết cư xử theo kiểu tương tác và làm trung gian giữa các tài liệu và sinh viên; thân mật, gần gũi, tạo điều kiện cần thiết về tài liệu, gợi mở vấn đề, hướng dẫn sinh viên khai thác và xử lý tư liệu để hình thành nên tri thức khoa học.

Điều đáng chú ý đối với mỗi giảng viên là: Sinh viên có quyền và có khả năng chấp nhận những luận điểm của giảng viên hoặc những luận điểm đã nêu trong giáo trình, rồi mở rộng, phát triển thêm; phủ nhận những luận điểm được giới thiệu và đưa ra những luận điểm mới trên cơ sở những tư liệu có độ tin cậy cao được họ trực tiếp đọc và khai thác qua các tài liệu tham khảo, nhất là tài liệu gốc.

Sinh viên chỉ có thể chủ động trong học tập và thi cử, khi biết rõ mục tiêu học tập và kiểm tra, đánh giá. Bởi thế, giảng viên phải xác định rõ các mục tiêu cụ thể theo thứ bậc thẳng hàng của Bloom cho từng nội dung theo chương trình học tập. Đó là những mục tiêu có thể kiểm tra, đánh giá, tức là có thể quan sát được, chứ không phải là những mục tiêu chung chung, định tính. Mục tiêu phải được thống nhất trong tất cả các trường, các lớp và công khai trong đề cương môn học.

Giờ thực hành của sinh viên Trường ĐH Thành Đô.

Chú trọng dạy sinh viên cách học

Dạy cách học hoàn toàn khác với dạy kiến thức, gồm những nhiệm vụ chủ yếu như sau: Giảng viên cần giới thiệu khái quát các trọng tâm kiến thức, giải thích một số khái niệm (nếu thấy thực sự cần thiết), giới thiệu những luận điểm khác nhau về cùng một vấn đề (nếu có) và có thể trình bày quan điểm của mình để sinh viên tham khảo. Hướng dẫn các chủ đề hoặc câu hỏi để sinh viên chuẩn bị. Những câu hỏi hoặc chủ đề này cần được quy định thống nhất trong tài liệu hướng dẫn học. Nêu rõ những chủ đề phải tự nghiên cứu, những chủ đề phải thảo luận ở nhóm, ở lớp...

Giảng viên hướng dẫn sinh viên đọc tài liệu, chú ý cập nhật những tài liệu mới, chuẩn bị các chủ đề/câu hỏi, làm đề cương, hoạt động theo nhóm. Hướng dẫn, tổ chức việc thảo luận tại lớp, phân chia thành những nhóm nhỏ từ 4-5 sinh viên (tốt nhất là theo đơn vị khoa), yêu cầu các nhóm thảo luận trước để thống nhất đề cương của nhóm và thay nhau làm đại diện cho nhóm trình bày ở lớp. Việc thay nhau trình bày trước tại lớp là bắt buộc...

Một số kiến nghị của PGS.TS Vũ Quang Hiển nhằm đổi mới quản lý lao động mang tính hàn lâm cao ở bậc ĐH:

1. Tạo điều kiện để sinh viên thực hiện tốt hơn nữa quyền lựa chọn giảng viên thông qua tiếp cận hồ sơ giảng dạy của mỗi giảng viên.

2. Tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về chất lượng cho giảng viên.

3. Chú trọng xây dựng tốt hơn nữa cơ sở học liệu phục vụ giảng dạy, học tập.

4. Cho phép, tạo điều kiện để hình thành những nhóm nghiên cứu do giảng viên phụ trách, bao gồm một số sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh.

5. Tạo điều kiện để phối hợp hoạt động chuyên môn với hoạt động của các tổ chức khác của sinh viên trong nhà trường.

Nguồn: Hải Bình (GD&ĐT)

Post by: admin admin
21-08-2018