Hiện nay công tác đào tạo giáo viên giảng dạy đã và đang được các trường Đại học chú trọng. Tuy nhiên, hầu hết hầu hết các chương trình đào tạo đều tập trung vào việc cung cấp kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên đang còn hạn chế, và chưa có chương trình đào tạo giáo viên trình độ đại học môn Khoa học tự nhiên ở bậc THCS; các chương trình và hình thức bồi dưỡng giáo viên chưa phù hợp với thực tiễn và phát huy hiệu quả. Do đó, chúng tôi đề xuất một số nhóm giải pháp sau:
Nâng cao năng lực nghề nghiệp của giảng viên
Cần tập trung vào công tác bồi dưỡng giảng viên: Phẩm chất đạo đức nghề nghiệp; Năng lực giảng dạy; Năng lực phát triển chương trình; Năng lực nghiên cứu khoa học; Năng lực hoạt động xã hội; Năng lực cung ứng dịch vụ giáo dục, khoa học và chuyển giao công nghệ giáo dục cho các trường phổ thông; Năng lực hợp tác quốc tế về giáo dục đại học. Trong đó, chú trọng năng lực phát triển chương trình đào tạo giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực người học, gắn kiến thức lý thuyết với thực tiễn, năng lực dạy học tích hợp của sinh viên.
Cải thiện chất lượng tuyển sinh
Với tình trạng chất lượng đầu vào thấp của ngành sư phạm như hiện nay, đòi hỏi các cơ quan, ban, ngành liên quan cần có những biện pháp thật sự quyết liệt, mạnh mẽ. Ðể sư phạm trở lại là một trong những ngành học hấp dẫn, từ đó tăng chất lượng đầu vào, ngành giáo dục cần đưa ra giải pháp quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, sắp xếp hợp lý các cơ sở giáo dục có đào tạo chuyên ngành sư phạm, tránh hiện tượng đào tạo ồ ạt;
Cần có những khảo sát, đánh giá chính xác nhu cầu sử dụng giáo viên trong tương lai để giao chỉ tiêu phù hợp, cụ thể cho các trường sư phạm, không để nơi thừa, nơi thiếu, nhằm hạn chế tỷ lệ giáo viên thất nghiệp; có những chính sách hấp dẫn, thu hút với giáo viên và sinh viên ngành sư phạm như: Nâng cao thu nhập và chế độ đãi ngộ, tạo đầu ra phù hợp với chuyên môn được đào tạo cho sinh viên sư phạm…
Ảnh minh họa/internet
Phát triển chương trình đào tạo
Việc phát triển chương trình đào tạo giáo viên THPT ở các trường Đại học đào tạo sư phạm theo định hướng phát triển năng lực người học là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo Việt Nam trong giai đoạn mới. Theo đó, chương trình đào tạo giáo viên các môn Khoa học tự nhiên cần hướng tới mục tiêu đào tạo đội ngũ giáo viên có đủ năng lực để có thể dạy chuyên sâu môn Vật lý, Hóa học hoặc Sinh học và dạy môn Khoa học tự nhiên ở bậc Trung học cơ sở theo định hướng sau:
Thứ nhất, chương trình cần cân đối tỷ lệ khối kiến thức giáo dục đại cương với giáo dục chuyên nghiệp. Trong đó, cần tăng cường khối kiến thức chung, tích hợp liên ngành để sinh viên tốt nghiệp có thể đảm nhận dạy học tích hợp trong chương trình phổ thông.
Thứ hai, chương trình cần có sự phân phối cân đối giữa khối kiến thức cơ bản với với khối kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ.Trong đó, thời lượng dành cho khối kiến thức chuyên môn nghiệp vụ đề xuất chiếm khoảng 30%-35% trong tổng khối lượng chương trình đào tạo, trong đó phần thực tập, thực tế chuyên môn chiếm khoảng 35%-40% tổng khối lượng kiến thức chuyên môn nghiệp vụ. Điều này giúp sinh viên tốt nghiệp có được những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về chuyên môn, nghiệp vụ, có thể đảm nhận tốt công việc giảng dạy tại trường phổ thông.
Thứ ba, chương trình cần chú trọng tích hợp giảng dạy kiến thức với kỹ năng mềm và kỹ năng nghề nghiệp; tăng cường năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc nhóm, rèn luyện kỹ năng thực hành, thí nghiệm, gắn lý thuyết với thực tiễn; phát huy tính chủ động, sáng tạo để sinh viên có khả năng thiết kế các hoạt động trải nghiệm và hướng dẫn học sinh trong nghiên cứu khoa học ở trường phổ thông.
Tăng cường hoạt động tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực
Chương trình đào tạo định hướng phát triển năng lực không quy định những nội dung giảng dạy chi tiết mà quy định những kết quả đầu ra mong muốn của quá trình đào tạo. Trên cở sở đó, đưa ra những hướng dẫn chung về việc lựa chọn nội dung, phương pháp, tổ chức và đánh giá kết quả dạy học nhằm đảm bảo thực hiện được mục tiêu dạy học tức là đạt được kết quả đầu ra mong muốn.
Trong chương trình định hướng phát triển năng lực, mục tiêu học tập, tức là kết quả học tập mong muốn thường được mô tả thông qua hệ thống các năng lực (Competency). Kết quả học tập mong muốn được mô tả chi tiết và có thể quan sát, đánh giá được. Người học cần đạt được những kết quả yêu cầu đã quy định trong chương trình. Việc đưa ra các chuẩn đào tạo cũng là nhằm đảm bảo quản lý chất lượng giáo dục theo định hướng kết quả đầu ra.
Hoạt động tổ chức dạy học đóng vai trò quan trọng để thực hiện tốt chương trình đào tạo nhằm phát huy năng lực chủ động, sáng tạo của người học theo định hướng phát triển năng lực. Do đó, giảng viên cần tập trung vào các nội dung chính sau:
- Dạy phương pháp học tập bậc đại học cho sinh viên: lập kế hoạch học tập, phương pháp học trên lớp, phương pháp tự học, tự nghiên cứu, làm việc nhóm, …
- Quản lý tốt học tập trên lớp và tự học của sinh viên bằng ứng dụng công nghệ thông tin.
- Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá theo tiếp cận năng lực người học.
- Tổ chức tốt việc lấy ý kiến sinh viên về chương trình đào tạo, hoạt động của giảng viên và nhà trường sau khi kết thúc môn học và sau khi tốt nghiệp.
Đổi mới nội dung và hình thức bồi dưỡng
Trong những năm qua, chương trình bồi dưỡng đã giúp GV được cập nhật các phương pháp mới và vận dụng được một phần vào thực tế dạy học. Nội dung các khoá bồi dưỡng đã có sự thống nhất và bổ sung cho sự thiếu hụt trong chương trình đào tạo ở các trường sư phạm khi tập trung vào các phươngpháp/kĩ thuật dạy học môn học. Số lượng các modul trong chương trình bồi dưỡng quá nhiều.
Tuy nhiên, chương trình bồi dưỡng chưa giúp được nhiều cho giáo viên trong việc chuẩn bị dạy học theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới, chưa chú trọng bồi dưỡng năng lực thực hành thí nghiệm cho giáo viên Vật lý, Hóa học và Sinh học.
Ảnh minh họa/internet
Bên cạnh đó, hình thức bồi dưỡng hiện nay chủ yếu là giáo viên tự nghiên cứu, tự học, chưa có nhiều tương tác giữa giảng viên/chuyên gia với người học và chưa có phương pháp, công cụ đánh giá kết quả bồi dưỡng giáo viên. Việc bồi dưỡng còn phụ thuộc vào kế hoạch của Sở Giáo dục và đào tạo hoặc Bộ Giáo dục và đào tạo, chưa xuất phát từ nhu cầu của giáo viên.
Do đó, việc đổi mới nội dung và hình thức bồi dưỡng để việc bồi dưỡng phát triển và nâng cao năng lực nghề nghiệp cho giáo viên trở thành nhu cầu học tập thường xuyên một cách tự nguyện. Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất các nội dung bồi dưỡng nhằm nâng cao một số năng lực cho giáo viên THPT các môn khoa học tự nhiên như sau:
1. Năng lực tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực
2. Năng lực phát triển chương trình môn học
3. Năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị dạy học
4. Năng lực kiểm tra, đánh giá theo tiếp cận năng lực
5. Năng lực dạy học tích hợp
6. Năng lực tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh
7. Năng lực tổ chức hoạt động giáo dục hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu chương trình phổ thông mới
8. Năng lực dạy học thực hành thí nghiệm
9. Năng lực tư vấn và hỗ trợ tâm sinh lý học đường
10. Năng lực phối hợp gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh
11. Năng lực tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học cho học sinh.
Để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, hình thức bồi dưỡng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường các hoạt động thảo luận, thực hành của giáo viên trong quá trình bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn tại trường phổ thông. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, bồi dưỡng thường xuyên bằng tự học của giáo viên kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ chuyên môn, nhóm chuyên môn của nhà trường, liên trường hoặc cụm trường. Hình thức bồi dưỡng này sẽ giúp cho giáo viên chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch tự bồi dưỡng, phù hợp với công việc được giao và hoạt động giảng day, giáo dục.
Để việc tự bồi dưỡng trở thành nhu cầu tự thân và hứng thú của người giáo viên, các cấp quản lý cần chú trọng việc hướng dẫn phương pháp tự bồi dưỡng, cung cấp đầy đủ và kịp thời tài liệu bồi dưỡng liên quan đến chuyên môn sâu của giáo viên, kịp thời động viên khích lệ giáo viên; giáo viên phải tự nhận thức được tự bồi dưỡng không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là tiêu chí đánh giá khả năng phát triển liên tục nghề nghiệp của giáo viên.
Thứ hai, bồi dưỡng thường xuyên trực tuyến theo lớp-chuyên đề do các giảng viên/chuyên gia có kinh nghiệm để hướng dẫn tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung khó, mới đối với giáo viên.
Thứ ba, tổ chức cho giáo viên tham quan, thực tế học hỏi từ các trường có kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng nhằm mở rộng mối quan hệ giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm trong giảng dạy, từ đó vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong công tác giảng dạy của mỗi giáo viên. Để hình thức này phát huy được hiệu quả, nhà quản lý cần lựa chọn mô hình tham quan tiêu biểu, có những kinh nghiệm hay phục vụ thiết thực cho nội dung bồi dưỡng.
PGTS.Lê Đức Giang, PGS.TS. Kiều Phương Chi
(Viện Sư phạm Tự nhiên, Trường Đại học Vinh)
Nguồn: http://etep.moet.gov.vn