Lần tăng lương cao nhất
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Chính trị đã thống nhất với phương án chưa thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, thay vào đó sẽ tăng lương cơ sở hơn 30%, từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng từ 1.7.2024.
Vào biên chế từ năm 2020, cô Lê Diễm Hương - giáo viên dạy môn Toán học, Trường THPT Thọ Xuân (Hà Nội) - cho biết, mức lương hiện hưởng không đủ để gia đình cô trang trải cuộc sống.
“Gia đình tôi có bố mẹ già và con nhỏ. Mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng của tôi chỉ đủ chi trả tiền cơm nước và các chi tiêu lặt vặt khác. Lương thấp, không có tích lũy khiến tôi lo lắng, không xoay sở thế nào nếu có biến cố xảy ra.
Vậy nên, khi tiếp nhận thông tin lương cơ sở tăng, tôi rất mừng. Mừng vì ngành nghề của mình được Đảng và Nhà nước trân trọng, quan tâm cũng như tiền lương của bản thân được cải thiện phần nào. Nguyện vọng giáo viên sống được nhờ tiền lương đang từng bước được hiện thực hóa” - cô Hương bày tỏ.
Lương cơ sở tăng không chỉ là niềm vui với các giáo viên mà sinh viên sư phạm cũng rất hân hoan khi đón nhận thông tin này. Bạn Hoàng Thị Hương Giang - tốt nghiệp ngành Sư phạm Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội - cho biết, bản thân rất kỳ vọng vào mức đãi ngộ dành cho giáo viên.
“Mức lương dành cho sinh viên sư phạm mới ra trường thực sự là rào cản khiến nhiều bạn phải từ bỏ đam mê. Tăng lương cơ sở lên mức 2.340.000 đồng/tháng sẽ giúp tháo gỡ được phần nào vướng mắc này. Lương giáo viên trẻ được cải thiện sẽ là tiền đề để mình cũng như các bạn sinh viên khác yên tâm làm nghề, cống hiến hết mình” - Hương Giang kỳ vọng.
Tiếp tục thực hiện phụ cấp thâm niên nghề
Trước đó, thông tin gộp và bãi bỏ một số loại phụ cấp, trong đó có phụ cấp thâm niên, khiến nhiều giáo viên lâu năm rất trăn trở. Thông tin tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới khiến nhiều nhà giáo “thở phào”.
Cô Đặng Thị Minh Nguyệt - giáo viên dạy môn Ngữ Văn, Trường THPT Đan Phượng (Hà Nội) - đánh giá cao ý nghĩa của phụ cấp thâm niên trong ngành giáo dục: “Với những giáo viên đã cống hiến nửa đời người cho sự nghiệp giáo dục, phụ cấp thâm niên trở thành nguồn động viên to lớn, thúc đẩy nhà giáo càng say mê giảng dạy. Nếu bãi bỏ loại phụ cấp này, các giáo viên sẽ vô cùng thiệt thòi. Bên cạnh đó, phụ cấp thâm niên sẽ trở thành động lực để các giáo viên trẻ kiên trì với nghề”.
Nữ giáo viên cũng bày tỏ sự vui mừng khi tâm tư, nguyện vọng của mình và các đồng nghiệp được Đảng và Nhà nước lắng nghe. Cô Nguyệt cho rằng, những người cống hiến cho ngành Giáo dục như cô ngày càng nhận được sự quan tâm đúng mức.
“Đề xuất tăng lương giữ phụ cấp thâm niên cho thấy các cấp lãnh đạo có sự lắng nghe, tiếp nhận kịp thời những tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo, từ đó đưa ra quyết định phù hợp, mang tính công bằng” - cô Nguyệt bộc bạch.
Nguồn: https://laodong.vn/