Nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, Hạn chế học sinh, sinh viên đi học nước ngoài, Để sinh viên ra trường có việc làm, làm đúng ngành nghề đào tạo… là những việc Bộ GD&ĐT đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo Sư phạm
Bộ đã và đang xây dựng Đề án Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) và sư phạm, trong đó tập trung xây dựng các trường sư phạm trọng điểm như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP HCM… là những máy cái để đào tạo, bồi dưỡng lại đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới.
Triển khai Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp.
Đồng thời tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên toàn quốc làm cơ sở giao chỉ tiêu đào tạo theo nhu cầu thực tiễn của từng địa phương và cơ sở giáo dục. Như vậy sẽ chỉ đào tạo sư phạm theo nhu cầu thực tế thay vì đào tạo theo năng lực của cơ sở đào tạo như trước đây. Nâng cao điều kiện chất lượng đầu vào tuyển sinh sư phạm (chẳng hạn yêu cầu thí sinh phải có lực học khá giỏi khi xét tuyển học bạ) và quy định điểm sàn đầu vào.
Cùng với đó giám sát, công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng: Cơ sở vật chất, Giảng viên, tỷ lệ việc làm của sinh viên. Tăng cường kiểm định và công khai kết quả kiểm định chất lượng đào tạo sư phạm.
Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy gắn với chương trình phổ thông mới để giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT. Nghiên cứu đề xuất xây dựng chính sách nâng chuẩn giáo viên phổ thông.
Cụ thể, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đã đề xuất nâng chuẩn giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở phải đạt trình độ đại học thay vì trung cấp, cao đẳng như trước đây.
Cùng với đó, đề xuất tăng lương, cải thiện chế độ đãi ngộ cho đội ngũ nhà giáo để các thầy cô yên tâm lao động, cống hiến và học tập. Người học sư phạm cũng thấy yên tâm hơn khi ra trường.
Hạn chế học sinh, sinh viên đi học nước ngoài
Xây dựng các trường xuất sắc tại Việt Nam theo chuẩn quốc tế như các Trường ĐH Việt pháp, Trường ĐH Việt Đức, Trường ĐH Việt Nhật...để tạo môi trường quốc tế hóa giáo dục đại học Việt Nam. Chất lượng đầu ra sẽ tiệm cận với chuẩn đào tạo quốc tế.
Cụ thể như: Triển khai các chương trình chất lượng cao, nhập khẩu từ các nước phát triển: Chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư chất lượng cao... POHE, Liên kết đào tạo quốc tế (Các chương trình đào tạo được kiểm định bởi tổ chức quốc tế, văn bằng được quốc tế công nhận, chương trình, giáo trình nhập khẩu và giảng dạy bằng ngoại ngữ, có sự tham gia của các giáo sư nước ngoài, chương trường đào tạo được cấp song bằng).
Có các chính sách thu hút các sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam để tạo ra môi trường học tập quốc tế. Tăng cường trao đổi sinh viên quốc tế hai chiều. Khuyến khích và hỗ trợ các trường đại học Việt Nam tham gia kiểm định quốc tế, tham gia các bảng xếp hạng quốc tế để nâng cao chất lượng GD-ĐT, để bằng cấp ĐH của Việt Nam được quốc tế công , qua đó khẳng định uy tín và vị thế của các trường đại học Việt Nam hội nhập với khu vực và trên thế giới.
Đồng thời, tăng cường năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giảng viên để nâng cao năng lực hội nhập và công bố khoa học quốc tế cũng như năng lực ngoại ngữ cho sinh viên để có thêm công cụ hội nhập trong học tập và hội nhập với thị trường lao động quốc tế.
Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên trong giờ thực hành
Để sinh viên ra trường làm đúng nghề đào tạo
Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số: 07/2015/TT-BGDĐT quy định việc xây dựng, thẩm định và trong quá trình tổ chức, thực hiện chương trình đào tạo phải có sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động, doanh nghiệp. Như vậy nội dung chương trình đào tạo sẽ gắn chặt chẽ, thiết thực với yêu cầu để hình thành năng lực làm việc của người sử dụng lao động.
Trong các thông tư quy định về mở ngành (Thông tư 09 và 22/2017/TT-BGDĐT), Bộ đưa ra yêu cầu mở ngành mới phải căn cứ vào nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp.
Điều này sẽ kết nối chặt chẽ giữa cung và cầu, hạn chế tình trạng quá nhiều trường tập trung đào tạo vào 1 số nhóm ngành dẫn đến dư thừa lao động cục bộ ở một số nhóm ngành. Chẳng hạn như một số năm trước đây đã có cảnh báo dư thừa nhân lực Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh…
Để thực hiện chiến lược phát triển du lịch Quốc gia cũng như việc phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0, Bộ cũng đã xây dựng và ban hành công văn hướng dẫn cơ chế đào tạo đặc thù ngành Du lịch và công nghệ thông tin (CNTT) theo hướng yêu cầu gắn kết đào tạo với doanh nghiệp, cam kết đầu ra của doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc để thực hiện cơ chế tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức đào tạo thực hành tại doanh nghiệp.
Triển khai Chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng nghề nghiệp (POHE ) tại 8 trường đại học với 40 chương trình đào tạo theo hai giai đoạn. Một số chương trình đã có sự lan tỏa ra nhiều trường ĐH khác dù không tham gia dự án.
Ảnh minh hoạ/intrenet
Triển khai xây dựng phát triển chương trình đào tạo theo chuẩn CDIO (là một quy trình xây dựng chương trình đào tạo để đáp ứng chuẩnđầu ra với sự tham gia của đơn vị sử dụng lao động từ khâu thiết kế chương trình đào tạo đến khâu triển khai và sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp).
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đang đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học, trong đó có đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục đại học, tham gia hỗ trợ thực hành, thực tập, cấp học bổng cho sinh viên, giám sát chuẩn đầu ra, phản hồi về chất lượng sinh viên tốt nghiệp.
Để khắc phục tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề đào tạo, Bộ GĐ&ĐT đã và đang triển khai các giải pháp như: Hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển GDĐH: Đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; Soạn thảo trình QH ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GD và Luật GDĐH; trình Chính phủ ban hành Nghị định tự chủ đối với các cơ sở GDĐH công lập…
Tiến hành quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo, tăng cường hiệu quả công tác dự báo nhu cầu nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của quốc gia.Tăng cường kiểm định chất lượng, đổi mới chương trình đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo.
Cùng với đó, yêu cầu các cơ sở GDĐH tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước. Các trường đại học phải căn cứ vào kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm để đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.
Từ năm 2016, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học phải tiến hành khảo sát tỷ lệ việc làm của sinh viên sau 1 năm ra trường và phải công bố công khai số liệu này trong Đề án tuyển sinh đại học, làm cơ sở định hướng cho một số hoạt động quản lý giáo dục và để người học tham khảo, chọn trường, ngành học.
Theo GD&TĐ