Tin tức sự kiện

Dự kiến, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ diễn ra 1 đợt


29-12-2023
Kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến chỉ diễn ra 1 đợt duy nhất vào ngày 11/5/2024 tại Hà Nội và Trường Đại học Quy Nhơn.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị về tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực – tuyển sinh đại học năm 2024 và định hướng đổi mới từ năm 2025. Sự kiện do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức vào ngày 28/12/2023.

Thông tin tại hội nghị, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2024 về cơ bản sẽ giữ ổn định về cấu trúc bài thi như các năm trước. Thí sinh làm bài thi trực tiếp trên giấy, thời gian thi từ 60-90 phút (tùy môn học), bao gồm các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận.

Điểm khác biệt trong kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội so với các trường khác là chia ra từng môn thi (8 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý). Cấu trúc các bài thi tương ứng và phù hợp với nội dung các môn học ở cấp trung học phổ thông.

Dự kiến từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục được tổ chức theo môn thi như hiện nay. Theo thầy Sơn, về ngân hàng đề thi, nhà trường sẽ có sự điều chỉnh và bổ sung nhằm phù hợp với định hướng chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

 

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Doãn Nhàn

Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dự kiến tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng kết quả thi đánh giá năng lực

Các môn thi được tổ chức duy nhất 1 ngày, dự kiến diễn ra vào 11/5/2024. Theo Tiến sĩ Trần Bá Trình - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, kỳ thi được tổ chức vào đầu tháng 5 giúp đảm bảo tất cả thí sinh đều đã được trang bị đầy đủ kiến thức chương trình trung học phổ thông, từ đó ma trận đề thi có thể bao quát hết toàn bộ chương trình học. Đây cũng là thời điểm trước khi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng việc tham gia kỳ thi đánh giá năng lực thời điểm này cũng là một cách giúp thí sinh ôn tập, chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp, từ đó giúp giảm bớt áp lực thi cử cho học sinh.

Lịch thi đánh giá năng lực năm 2024

Lịch thi đánh giá năng lực năm 2024

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực năm 2024 được giữ ổn định như các năm trước

Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực năm 2024 được giữ ổn định như các năm trước

Thông tin thêm, Tiến sĩ Trần Bá Trình cho hay, năm 2023, có khoảng 4.500 thí sinh đăng ký tham dự kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức, tăng 190% so với năm 2022. Tỷ lệ thí sinh đăng ký có mặt dự thi đạt khoảng 95%. Bình quân mỗi thí sinh thi 2,5 môn. Trong đó, 3 môn Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh là những môn có số lượng thí sinh dự thi đông nhất.

Quy mô thí sinh, tỷ lệ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2023. Nguồn số liệu từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Quy mô thí sinh, tỷ lệ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2023. Nguồn số liệu từ Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Cũng theo Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tỷ lệ nhập học (số nhập học/trúng tuyển) của thí sinh diện kỳ thi đánh giá năng lực đạt khá cao, khoảng 50%. Trong khi đó, tỷ lệ thí sinh nhập học các phương thức xét tuyển thẳng, xét bằng học bạ,... lại thấp hơn, chỉ đạt khoảng từ 15%-30%.

 

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các đại biểu tham dự hội nghị

Qua rà soát, đánh giá chất lượng thí sinh trúng tuyển vào trường bằng điểm thi đánh giá năng lực, Tiến sĩ Trần Bá Trình cho biết các thí sinh có ưu điểm là tư duy rành mạch, rõ ràng, thể hiện ở quá trình học tập - tiếp thu kiến thức chuyên ngành khá tốt.

Bên cạnh đó, người học cũng có khả năng thích ứng với môi trường học tập đại học nhanh. Điều này thể hiện qua ý thức cao trong việc lập kế hoạch và trải nghiệm các phương pháp học tập khác nhau để tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân, chủ động trao đổi với giảng viên.

Với những kết quả tích cực từ việc tuyển sinh thông qua kỳ thi đánh giá năng lực, sang năm 2024, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tiếp tục dự kiến tăng tỷ trọng chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi đánh giá năng lực, và giảm tỷ trọng chỉ tiêu cho phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp.

Mong có thêm nhiều trường sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Tham dự hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều ý kiến đóng góp, gợi mở quan trọng liên quan đến việc tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nhấn mạnh đến điểm khác biệt giữa kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, đại diện Cục Quản lý chất lượng cho hay: Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm đánh giá chuẩn đầu ra của chương trình, trong khi đó, kỳ thi tuyển sinh đại học với mục đích là đánh giá đầu vào.

Ông Nguyễn Ngọc Hà bày tỏ sự đánh giá cao với mô hình tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực theo môn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá cao cách đánh giá năng lực dựa trên kiến thức học sinh được học ở trong trường. Điều này giúp giảm áp lực cho học sinh theo đúng tinh thần của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đại diện Cục Quản lý chất lượng bày tỏ mong muốn sẽ có thêm nhiều cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ để tuyển sinh. Đồng thời, với kết quả đáng tin cậy từ việc tuyển sinh bằng điểm thi đánh giá năng lực, ông hy vọng quy mô sử dụng hình thức tuyển sinh bằng kỳ thi này sẽ tiếp tục được tăng lên.

Cuối cùng, Ông Nguyễn Ngọc Hà đề cập tới vấn đề tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực từ năm 2025 (lứa học sinh của chương trình giáo dục phổ thông 2018) với nhiều góp ý mang tính chất kỹ thuật liên quan tới việc xây dựng ngân hàng đề thi, cách đánh giá,... theo hướng cải tiến, phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình mới.

Đề xuất mạnh dạn cho học sinh lớp 11 tham gia kỳ thi đánh giá năng lực

Hội nghị cũng ghi nhận nhiều ý kiến góp ý quan trọng của đại diện các cơ sở giáo dục về việc tổ chức kỳ thi.

Đánh giá cao sự cần thiết và ý nghĩa rất quan trọng của kỳ thi, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng cho rằng:

“Đây không phải là kỳ thi tuyển sinh đại học thuần túy, mà ý nghĩa lớn hơn đó là thay đổi cách dạy, cách học và đào tạo giáo viên hiện nay”.

Tuy nhiên, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng nhận định hiện nay kỳ thi đánh giá năng lực của các trường sư phạm chưa thật sự tạo được tiếng vang, sức hấp dẫn và thu hút đông đảo các thí sinh tham gia. Do đó, Phó giáo sư Lưu Trang đề xuất khối các trường sư phạm cần có họp bàn kỹ lưỡng hơn về hướng tổ chức và cách thức truyền thông, quảng bá về kỳ thi đánh giá năng lực này.

 

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Doãn Nhàn

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lưu Trang - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: Doãn Nhàn

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cũng đề cập tới vấn đề tăng cường hơn nữa công tác truyền thông cho kỳ thi; đồng thời đề xuất hướng đến việc tổ chức kỳ thi thành nhiều đợt nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh tham gia thi.

Ngoài ra, thầy Trung đề xuất nên cho học sinh lớp 11 tham gia kỳ thi đánh giá năng lực. Theo thầy Trung, các em học sinh giỏi lớp 11 hoàn toàn có năng lực để thử sức tham gia thi, việc sử dụng kết quả của các em hay không, tùy thuộc các trường đại học. Do vậy, đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề xuất các trường đại học mạnh dạn nghiên cứu thêm đối tượng dự thi là các em học sinh lớp 11.

Được biết, hiện kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh cho phép học sinh lớp 11 đăng ký dự thi và sử dụng kết quả này để xét tuyển cho năm sau đó.

Về đề xuất này, đại diện Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Phó giáo sư Nguyễn Đức Sơn cho biết, trường chưa cho phép đối tượng học sinh lớp 11 dự thi bởi không muốn tạo áp lực cho học sinh. Thầy Sơn cũng cho biết, trong tương lai, việc có cho phép đối tượng này dự thi hay không, hiện nhà trường chưa có kế hoạch.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Nhàn

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Nhàn

Năm nay, bên cạnh khối các trường đào tạo giáo viên, kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng thu hút thêm sự quan tâm của một số khối ngành khác.

Đại diện đến từ cơ sở đào tạo khối ngành kỹ thuật, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết, bên cạnh sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, những năm gần đây nhà trường cũng sử dụng thêm kết quả từ kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tuy nhiên, vị đại diện chia sẻ, số lượng thí sinh tuyển được từ kết quả kỳ thi riêng vẫn còn rất ít so với chỉ tiêu đặt ra.

"Mặc dù chỉ tiêu dành phương thức này là khoảng 600-700 thí sinh nhưng năm 2022, nhà trường chỉ tuyển được 50 thí sinh, năm 2023 được khoảng 200 thí sinh", Tiến sĩ Phạm Thanh Hà nêu thực tế.

Đánh giá cao kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Tiến sĩ Phạm Thanh Hà cho biết về phía Trường Đại học Giao thông Vận tải sẽ có nghiên cứu kỹ lưỡng để xem xét sử dụng kết quả kỳ thi này cho tuyển sinh của nhà trường.

Năm 2024 là năm thứ ba Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực. Kết quả của kỳ thi này dự kiến sẽ được 7 trường đại học khác sử dụng để tuyển sinh. Cụ thể gồm: Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng; Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 và Trường Đại học Quy Nhơn.

Nguồn: https://giaoduc.net.vn/

Post by: Admin
29-12-2023