Tin tức sự kiện

Dự kiến, nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, trung học áp dụng từ năm 2026


13-06-2018

Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo cho khoảng 40% giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có lộ trình và giải pháp phù hợp không gây ra sự biến động đột ngột.

Nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở từ trung cấp, cao đẳng lên đại học là một trong những điểm đáng chú ý trong Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, bổ sung đang được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5. 

Nếu được thông qua, sẽ có khoảng 40% giáo viên tiểu học, trung học cơ sở chưa đạt chuẩn. 

Lý do cần nâng chuẩn cho đội ngũ này, chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Đức Minh – Cục trưởng Cục nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ giáo dục và Đào tạo) cho hay: 

Việc nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở từ trung cấp, cao đẳng lên đại học là một bước đột phá, đổi mới mạnh mẽ, cần thiết nhằm định hướng và tạo hành lang pháp lý cho việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà.

Sự thay đổi quan trọng trong đổi mới giáo dục hiện nay là trong chương trình, sách giáo khoa mới chuyển từ coi trọng truyền thụ kiến thức sang giáo dục nhân cách công dân, đồng thời phát huy tốt nhất tiềm năng của người học. 

Theo ông Hoàng Đức Minh, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo cho khoảng 40% giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có lộ trình và giải pháp phù hợp không gây ra sự biến động đột ngột. (Ảnh: Xuân Trung)


Hoạt động dạy của giáo viên và hoạt động học của học sinh phải bảo đảm sự thống nhất, tương tác. Trong đó, giáo viên giữ vai trò chỉ đạo, hướng dẫn, trọng tài; học sinh không chỉ là đối tượng của hoạt động dạy mà cũng chính là chủ thể của hoạt động học. Chính vì vậy, nhằm đáp ứng được yêu cầu trên, giáo viên cần phải có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ tốt. 

Tuy nhiên, vị này cũng khẳng định, việc nâng chuẩn trình độ đào tạo cho khoảng 40% giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có lộ trình và giải pháp phù hợp không gây ra sự biến động đột ngột. Cụ thể, trong Dự thảo luật Giáo dục sửa đổi, Bộ đã đề xuất việc chuyển đổi hợp lý, cụ thể là các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2026. Học sinh, sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm được tuyển sinh trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được áp dụng theo Luật hiện hành.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch bồi dưỡng và đào tạo lại để nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học, trung học cơ sở lên đại học sư phạm. “Bộ sẽ chỉ đạo dừng tuyển sinh ngành sư phạm đối với giáo viên dạy tiểu học trình độ trung cấp và cao đẳng ngay khi dự thảo Luật được thông qua và có hiệu lực. 

Không tuyển mới giáo viên dạy tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm hoặc cao đẳng sư phạm, đồng thời tổ chức đào tạo bổ sung theo hướng liên thông để khi sinh viên ra trường có trình độ đại học sư phạm tiểu học”. ông Minh nhấn mạnh. 

Phương thức đào tạo nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên

Ông Minh cho hay, đối với những giáo viên có trình độ Trung cấp sư phạm, Cao đẳng hoặc những giáo viên chưa đạt trình độ Đại học còn thời gian công tác từ  1 đến 5 năm, Bộ chỉ đạo các địa phương phối hợp các trường sư phạm thiết kế các khóa bồi dưỡng thường xuyên, nâng cao năng lực dạy học để đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Đối với những giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo là đại học thời gian công tác còn trên 5 năm, Bộ chỉ đạo các trường đại học sư phạm phối hợp chặt chẽ với các địa phương xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo nâng chuẩn trình độ gắn với bồi dưỡng thay sách giáo khoa mới

Và việc nâng chuẩn trình độ đào tạo nên đại học là cần thiết và phù hợp với xu hướng của các nước trong khu vực và trên thế giới, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW. 

Hình thức đào tạo cuốn chiếu ở các khối lớp với các hình thức linh hoạt, phù hợp, hiệu quả, thiết thực, không chạy theo thành tích hay học chủ yếu học để lấy bằng. 

Ảnh minh hoạ/internet

Bộ sẽ ban hành lộ trình để áp dụng quy định này hoặc đưa ra thời điểm có hiệu lực với riêng một số vùng, địa phương còn nhiều khó khăn, để các địa phương này có thời gian triển khai các giải pháp nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học, trung học cơ sở một cách phù hợp. 

Song hành với nâng chuẩn trình độ đào tạo, Bộ xây dựng quy định đảm bảo quyền lợi đối với giáo viên và đưa ra lộ trình phương thức triển khai phù hợp với từng đối tượng, vùng miền. 

Trong Dự thảo luật sửa đổi, Bộ cũng đề xuất các chính sách đối với nhà giáo khi học tập nâng cao trình độ, trong đó nêu rõ: “Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ: Nhà nước có chính sách để nhà giáo được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ và đạt chuẩn nhà giáo.  Nhà giáo được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của Chính phủ. Các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn theo quy định”.

Như vậy, giáo viên được cử đi học nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được hưởng lương và phụ cấp và các cơ sở giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện để nhà giáo được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn. Việc bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo trù liệu từ rất sớm. 

Thời gian qua, Bộ đã xây dựng nhiều chương trình, dự án để chuẩn  bị bồi dưỡng nâng chuẩn cho giáo viên, trong đó có Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục  phổ thông). 

Hiện nay, Chương trình ETEP đã và đang hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục  phổ thông.

Theo Thùy Linh (giaoduc.net)

 

Post by: admin admin
13-06-2018