Tin tức sự kiện

GS.TS. Nguyễn Văn Minh: "Cần có cách làm mới mẻ, đột phá cho giáo dục Thủ đô"


10-11-2023
Hà Nội là thành phố có nhiều mối quan hệ quốc tế, có nhiều cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn. Hằng năm, số học sinh du học khá nhiều so với các địa phương khác. Vì vậy, sự liên thông của chương trình để được công nhận với khu vực và quốc tế phải được đặt ra, thay vì thuần túy liên kết với một vài trường nhỏ lẻ.

GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ: “Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực”. Theo GS.TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, muốn đạt được điều này, Hà Nội cần lấy phát triển giáo dục và đào tạo làm nền tảng.

“Phát triển giáo dục đào tạo – Nền tảng và động lực cho Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”

PV: Thưa Giáo sư, ông đánh giá thế nào về toàn cảnh giáo dục và đào tạo của Thủ đô?

GS.TS. Nguyễn Văn Minh: Một cách khách quan, giáo dục và đào tạo Thủ đô đã có những thành tựu đáng ghi nhận, cả về chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn. Điều này có thể được minh chứng qua kết quả thi tốt nghiệp và các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế. Giáo dục và đào tạo Thủ đô cũng là đơn vị đi đầu trong việc xã hội hóa giáo dục.

Điều này cũng dễ hiểu vì đó là quyết tâm chính trị của thành phố và Hà Nội cũng có những tiền đề, lợi thế cần thiết để thực hiện. Tuy vậy, giáo dục và đào tạo Thủ đô cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc và lúng túng.

Hà Nội như là một Việt Nam thu nhỏ, có thành phố, có nông thôn và có cả miền núi. Mật độ di dân cơ học cao, công tác dự báo chưa thật chuẩn xác nên ngành giáo dục đào tạo hằng năm phải đối mặt với nhiều vấn đề.

Để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo của Thủ đô như tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, tôi cho rằng, giáo dục và đào tạo Thủ đô còn rất nhiều việc phải làm và đòi hỏi những cách làm mới mẻ, đột phá và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

PV: Giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn về thực trạng và những cách làm mới mẻ, đột phá mà giáo dục, đào tạo Thủ đô có thể áp dụng được?

GS.TS. Nguyễn Văn Minh: Về thực trạng, có thể thấy đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục của Thủ đô cơ bản là đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. Đây là ưu thế. Về trường lớp, Hà Nội có nhiều trường có bề dày truyền thống và chất lượng đào tạo tốt. Tuy nhiên, Hà Nội là một địa bàn rộng (diện tích 3.359,82 km², có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 13 quận, 16 huyện, 1 thị xã với 579 đơn vị hành chính cấp xã, phường và thị trấn).

Đây là thành phố trực thuộc trung ương duy nhất của Việt Nam có thị xã. Sự phân bố dân cư giữa các địa phương của Hà Nội không đồng đều, nội thành và các khu chung cư có mật độ cao; các huyện ngoại thành mật độ dân cư thấp hơn. Điều này dẫn đến sự bất cập về hệ thống trường học đáp ứng cho nhu cầu học tập của học sinh.

Từ đây cũng đặt ra đối với quy hoạch của thành phố về vấn đề trường lớp. Hà Nội là địa phương có số lượng trường tư thục, trường có yếu tố quốc tế thuộc hạng lớn nhất cả nước. Ngoài ra, trên địa bàn Thủ đô còn có hệ thống trường chuyên, trường thực hành thuộc các trường đại học. Về chất lượng, như đã trình bày, chất lượng giáo dục đào tạo của Thủ đô so với các địa phương trong cả nước nằm trong nhóm đáng ghi nhận.

Hà Nội có những ngôi trường danh tiếng, có tuổi đời hơn 100 tuổi

Hà Nội có những ngôi trường danh tiếng, có tuổi đời hơn 100 tuổi

Tuy nhiên, giáo dục và đào tạo Thủ đô vẫn chưa mang tính dẫn dắt, chưa có các mô hình điển hình trong giáo dục có thể nhân rộng; mặc dù có các trường có yếu tố quốc tế, trường quốc tế nhưng trong vận hành còn không ít bất cập; thiếu các nghiên cứu bài bản nên khi thí điểm vấp phải khó khăn. Vì vậy, để “xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo” giáo dục và đào tạo Thủ đô cần có các mục tiêu rõ ràng và những giải pháp vượt trội.

Do đó, muốn thực hiện được “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, muốn “Phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hoá, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế. Bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô”, ngoài các giải pháp về chính trị, kinh tế, cần xác định giáo dục toàn diện là nền tảng, là con đường để đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu này. Điều này đòi hỏi công tác quy hoạch phải có tầm nhìn và dự báo rất đúng mức. Bảo đảm điều kiện trường lớp, đội ngũ để “ai ai cũng được học hành”. Cần quyết liệt hơn khi triển khai các khu đô thị phải đồng bộ với nó là trường học; với khu vực nội đô, cần xem lại mô hình trường học đạt chuẩn trong thời đại 4.0. Trong quy hoạch thủ đô cần xác đinh rõ giữa việc xây dựng các khu đô thị, khu sản xuất phải đồng thời có đất cho giáo dục, y tế. Cần có tầm nhìn dài hạn cho vấn đề này. Trong chương trình giáo dục địa phương cần làm rõ nội hàm “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” một cách cụ thể và phải đưa vào trong chương trình giáo dục.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, để “xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo” giáo dục và đào tạo Thủ đô cần có các mục tiêu rõ ràng và những giải pháp vượt trội.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, để “xứng đáng là trung tâm lớn về giáo dục và đào tạo” giáo dục và đào tạo Thủ đô cần có các mục tiêu rõ ràng và những giải pháp vượt trội.

Giáo dục Hà Nội cần được liên thông, liên kết với quốc tế

PV: Giáo sư có đề cập việc giáo dục và đào tạo Thủ đô chưa mang tính dẫn dắt, chưa có các mô hình điển hình trong giáo dục nhưng cũng nhấn mạnh nền tảng của giáo dục toàn diện và giáo dục đại trà, điều này có mâu thuẫn không, thưa Giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Văn Minh: Giáo dục đại trà là an sinh xã hội, là ưu việt và bình đẳng xã hội. Tôi cho rằng, Thành phố Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến diện rộng này, trong đó có các khu công nghiệp, các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc. Với giáo dục mũi nhọn, củng cố và phát triển hệ thống vốn có. Các trường chất lượng cao (không chỉ chất lượng mà còn dịch vụ) nên chăng xã hội hóa và để tư nhân đầu tư. Không nên biến các trường công thành trường chất lượng cao (cơ sở vật chất, mặt bằng do Thành phố đầu tư), điều này vô hình trung tạo nên bất bình đẳng, trong khi những khu vực nội đô đang thiếu phòng học cho học sinh.

Đặc biệt, theo tôi, cần có chính sách ưu tiên hơn nữa cho các đơn vị đầu tư giáo dục về mặt bằng, về đất đai, về thuế. Cần bảo đảm hệ thống công lập cho mọi đối tượng trong lứa tuổi đến trường. Ưu tiên đầu tư toàn diện cho giáo dục đại trà, cho các vùng nông thôn, miền núi, khu công nghiệp. Thực hiện xã hội hóa nhằm đáp ứng cho các đối tượng người học khác nhau.

Tôi kiến nghị cho phép Hà Nội được tạo sự liên thông, liên kết với hệ thống giáo dục khu vực và quốc tế và được phép điều chỉnh chương trình phù hợp theo thông lệ quốc tế ở mức độ cơ bản.

PV: Với cách làm này, nếu được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội có thể tạo các hình mẫu trường học và giáo dục để nhân rộng, thưa Giáo sư?

GS.TS. Nguyễn Văn Minh: Hà Nội là thành phố lớn, lại có nông thôn, có các khu công nghiệp, thậm chí có cả miền núi, có các cộng đồng dân tộc khác nhau. Đây là cơ hội tốt để Hà Nội đi đầu xây dựng các mô hình giáo dục phù hợp và trên cơ sở đó phát triển ở các địa phương khác.

Ngoài việc Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường liên cấp, có thể xây dựng các trường nghề phù hợp với các khu vực phát triển khác nhau gắn bó chặt chẽ với giáo dục phổ thông; các trường trung học phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp.

"Hà Nội là thành phố có nhiều mối quan hệ quốc tế, có nhiều cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn. Hằng năm, số học sinh du học khá nhiều so với các địa phương khác. Vì vậy, sự liên thông của chương trình để được công nhận với khu vực và quốc tế phải được đặt ra, thay vì thuần túy liên kết với một vài trường nhỏ lẻ. Nếu chương trình không có sự đồng nhất, không thể chuyển đổi thì rất khó trong hội nhập. Vì vậy, để hội nhập thì chương trình đào tạo phải được chuẩn hóa từ nội dung, giảng dạy, kiểm tra, thi cử. Học sinh, sinh viên dù ở đâu đến học tại trường dù chỉ một lớp, một học phần cũng có thể được công nhận rộng rãi. Đây là bài toán không dễ nhưng nỗ lực sẽ làm được. Đối với hệ thống đại học, dạy nghề cũng cần quan tâm đến tâm lý người học. Bởi không chỉ là chuyện học tập, mà còn là chuyện việc làm".

GS.TS Nguyễn Văn Minh

Chúng ta đã nói nhiều đến mong muốn về ngôi trường thông minh và hạnh phúc, trong thời đại chuyển đổi số, việc xây dựng mô hình trường học phù hợp với thời đại cần được đặt ra như một giải pháp đột phá. Trường học thông minh là mô hình trường học tiên tiến và thích ứng cao với môi trường công nghệ và sự phát triển nhanh của xã hội hiện đại. Trường học thông minh vận dụng linh hoạt, hiệu quả các nguồn lực trên nền tảng ứng dụng tiến bộ công nghệ số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và sự phát triển của từng học sinh nói riêng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước đối với giáo dục phổ thông trong bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều biến đổi.

Do đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ, Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp; được quyền đào tạo, tuyển dụng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu của địa phương theo cơ chế riêng; được quyền sắp xếp lịch học phù hợp.

GS.TS Nguyễn Văn Minh:

GS.TS Nguyễn Văn Minh: "Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần làm rõ, Hà Nội được phép xây dựng hệ thống trường học quy chuẩn theo thông lệ quốc tế và có cơ chế đầu tư phù hợp"

Hà Nội có đủ điều kiện để triển khai xã hội hóa giáo dục

PV: Lâu nay dư luận vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về câu chuyện xã hội hóa giáo dục, do lo ngại không đảm bảo được tính bình đẳng trong giáo dục đại trà. Theo Giáo sư, nếu Luật Thủ đô sửa đổi cho phép Hà Nội áp dụng những cách làm mới mẻ trong xã hội hóa giáo dục thì đó có phải là một tín hiệu tốt cho giáo dục Thủ đô không?

GS.TS. Nguyễn Văn Minh: Luật Giáo dục qua các thời kỳ đã xác định rõ hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Trong đó, cấp học, trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Để bảo đảm tính chất “đa mục tiêu” của nền giáo dục, chúng ta không thể chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước, mà cần thực hiện giải pháp “xã hội hoá”.

Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương được thực hiện ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, không chỉ những quốc gia nghèo, kém phát triển mà ngay cả ở các quốc gia phát triển, công tác xã hội hóa giáo dục càng được thực hiện rộng rãi và có hiệu quả. Tuy nhiên, qua các giai đoạn và tùy từng quốc gia, dân tộc, thuật ngữ xã hội hóa giáo dục có nhiều cách hiểu với những nội hàm ít nhiều liên quan đến các khía cạnh như: phi tập trung hóa (decentralization); giáo dục suốt đời (longlife education); xã hội học tập (learning society); giáo dục cộng đồng (comunity education).

Tôi cho rằng, Hà Nội là thành phố có đủ điều kiện để triển khai xã hội hóa giáo dục. Do đó, dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi cần có điều khoản cụ thể đối với vấn đề xã hội hóa trong giáo dục, có chính sách ưu tiên, cả về đất đai, thuế và quyền tự quyết trong xây dựng mô hình, tổ chức thực hiện.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Nguồn: https://baophapluat.vn/

Post by: Admin
10-11-2023