|
Tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trong lễ khai giảng năm học 2023 - 2024. |
Ngày 19/10, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo “Mạng lưới đối tác phát triển nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm”.
Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, xây dựng mối liên kết trách nhiệm giữa trường sư phạm và trường phổ thông có ý nghĩa quan trọng then chốt trong quá trình trong đào tạo nghề cho sinh viên và bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ giáo viên.
Trường phổ thông là nơi giúp sinh viên có cơ hội để hiểu biết thực tế nhà trường, nơi mà họ sẽ làm việc sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là nơi sinh viên vận dụng những kiến thức lí thuyết đã học vào trong hành động của bản thân và nơi mang lại cho sinh viên những hiểu biết về thực tiễn.
Trong bối cảnh hiện nay, trường đại học sư phạm hỗ trợ các trường phổ thông trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
|
GS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu tại hội thảo.
|
Nhấn mạnh, thực tập sư phạm là hoạt động thực hành của sinh viên, thầy Đoàn Minh Châu – Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) nhìn nhận, đây là khâu quan trọng trong việc phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên, học viên;
Đồng thời là giai đoạn kiểm tra, đánh giá quá trình đào tạo kiến thức chuyên môn và kỹ năng sư phạm; tạo môi trường để sinh viên, học viên vận dụng lý thuyết vào thực hành, thể hiện năng lực bản thân; học hỏi, trao đổi, rút kinh nghiệm để vững bước vào nghề dạy học.
Thầy Châu đề xuất, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cần bồi dưỡng cho sinh viên kiến thức sư phạm, kinh nghiệm thực tế, kỹ năng về nghề giáo. Đồng thời, bồi đắp cho sinh viên tình yêu nghề, yêu học trò. Rèn luyện các em trở thành những giảng viên tốt trong tương lai.
Đối với sinh viên, cần nghiêm túc thực hiện kế hoạch thực tập của nhà trường và kỷ luật lao động tại nơi thực tập. Chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch thực tập của cá nhân trên cơ sở kế hoạch của nhà trường, của nhóm thực tập và theo sự sắp xếp của cơ sở thực tập. Các em cũng cần phản ánh kịp thời cho lãnh đạo và nhà trường về những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực tập.
|
TS Nguyễn Văn Hòa tham luận tại hội thảo.
|
Cho rằng, những yêu cầu mới đối với giáo viên/giáo sinh sư phạm để đáp ứng thực tế giáo dục của các trường phổ thông; TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội) – trao đổi, các em cần hiểu về nghề nhà giáo thời nay, cảm nhận vinh dự về nghề nghiệp mà mình đã chọn.
Hiện, các trường phổ thông đang thay đổi nên các em phải quan sát, tìm hiểu thực tế, “thấu hiểu” những gì đang diễn ra ở trường phổ thông và sẵn sàng cho tương lai của mình.
Các em xuống trường phổ thông không phải chỉ để thực hành dạy học mà còn học cách trở thành thầy cô giáo trong bối cảnh xã hội biến đổi, tâm lý học sinh thay đổi, phức tạp và đầy thách thức.
“Các em cần quan sát ở trường phổ thông họ làm gì, làm thế nào để giải quyết các vấn đề nổi cộm hàng ngày ở nhà trường, người ta giáo dục và dạy học sinh như thế nào. Từ đó xác định trách nhiệm và lòng yêu nghề, để không phạm lỗi đáng tiếc, không giảm sút lòng yêu nghề” – TS Nguyễn Văn Hòa trao đổi.
Đặt vấn đề, trường phổ thông có thể đóng góp gì cho sinh viên sư phạm; TS Nguyễn Văn Hòa nhấn mạnh, các trường hãy coi nhiệm vụ thực tập sư phạm là trách nhiệm với nền giáo dục, với tương lai.
Các trường sẵn sàng đón nhận các đoàn thực tập sư phạm đến trường, tối đa sĩ số có thể với quy mô hiện tại của trường phổ thông. Nếu thành một mạng lưới các trường thực hành thì sẽ tham gia đầy đủ, tích cực, trách nhiệm như việc của chính trường mình.
|
Đại biểu trao đổi tại hội thảo.
|
Theo TS Nguyễn Văn Hòa, các trường phổ thông cần chủ động đề xuất với Trung tâm Nghiệp vụ sư phạm của cơ sở đào tạo giáo viên những nhận xét thực chất về công tác tổ chức và kết quả thực tập sư phạm, vấn đề cần bổ sung, chỉnh sửa để nâng cao hiệu quả hoạt động này.
Ngoài ra, có thể đề xuất chuyên đề và sẵn sàng tham gia các chuyên đề về đổi mới phương pháp giáo dục, dạy học hoặc về tổ chức thực tập sư phạm do trường đại học sư phạm tổ chức.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/