Tin tức sự kiện

Chương trình ETEP tác động quan trọng đến trường sư phạm theo hướng tích cực


24-04-2022

 

GS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Hội nghị.GS.TS Nguyễn Văn Minh phát biểu tại Hội nghị.

Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục chương trình đầu tư tại Quyết định số 956/QĐ-TTg, ngày 30/5/2016.

Chương trình nhằm phát triển các trường đại học sư phạm được lựa chọn và cơ quan quản lý giáo dục để tăng cường chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, thông qua phát triển nghề nghiệp theo nhu cầu thực tiễn, đáp ứng nhu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Nói về tác động quan trọng của ETEP đối với các trương sư phạm, điều đầu tiên được Giáo sư Nguyễn Văn Minh nhắc đến là tính kế hoạch, tính hệ thống trên các mặt, từ quản trị hệ thống, bảo đảm chất lượng, chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, hợp tác vùng-địa phương, chiến lược nguồn nhân lực, cho đến hỗ trợ đội ngũ giảng viên, người học, cựu người học…

PGS.TS Nguyễn Văn Hiền báo cáo chi tiết tổng kết các hoạt động Chương trình ETEP của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Trên cơ sở làm việc có kế hoạch, các trường đã tạo ra được cách thức quản trị chứ không còn là quản lý thuần túy. Cùng với đó, sự kết nối giữa các trường sư phạm, cơ sở giáo dục với các sở Giáo dục và Đào tạo được hình thành, phát triển. Trên cơ sở của Chương trình ETEP, một số phần về hạ tầng công nghệ thông tin đã có bước chuyển; đóng góp tích cực trong việc tạo nền tảng cho việc vận hành, thích ứng với chuyển đổi số trong các nhà trường.

“Tham gia ETEP, giảng viên sư phạm đã có những thay đổi đáng khích lệ từ việc phải tìm hiểu chương trình phổ thông, kết nối chương trình đào tạo đai học và chương trình phổ thông, tạo ra sự cộng hưởng trong quá trình làm việc. Mặt khác, thầy cô ở phổ thông qua 9 mô-đun triển khai đã có được những nhận thức cơ bản trong cách dạy, cách học, cách kiểm tra, đánh giá; đội ngũ quản lý biết cách để vận hành theo cách thức mới; từ đó thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đạt hiệu quả hơn” - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ.

Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá cao những kết quả của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trong triển khai Chương trình ETEP.

Đánh giá về việc triển khai Chương trình ETEP của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP Nguyễn Ngọc Dũng khẳng định: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã thể hiện vai trò tiên phong trong mọi hoạt động của Chương trình ETEP; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong Thỏa thuận thực hiện Chương trình (PA). Năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được tăng cường, thể hiện ở các mảng quản trị nhà trường, phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu đổi mới và phát triển nhà trường.

Trường đã tăng điểm TEIDI (Bộ chỉ số phát triển năng lực trường sư phạm) từ 3,56 điểm năm 2017 lên 5,05 điểm năm 2021; hàng năm đều cao hơn so với Thỏa thuận thực hiện Chương trình PA. Trong 4 năm qua, xây dựng 12 chương trình đào tạo cử nhân sư phạm thuộc nhiệm vụ của ETEP theo quy trình đảm bảo chất lượng của Chương trình. Nhà trường cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và thiết bị theo các hạng mục đầu tư xây dựng cơ bản…

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đồng thời rất thành công tiến hành hỗ trợ 10 sở Giáo dục và Đào tạo triển khai đánh giá theo chuẩn trên hệ thống TEMIS bảo đảm chất lượng, tuân thủ quy trình đảm bảo chất lượng và hoàn thành đúng thời hạn, đạt cam kết 100% khối lượng công việc theo PA.

Ông Nguyễn Minh Nhiên - đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh phát biểu tại Hội nghị.

Chủ trì biên soạn Tài liệu bồi dưỡng giáo viên phổ thông mô đun 1, mô đun 2, mô đun 3, các tài liệu đã được Trường Đại học Sư phạm xây dựng theo đúng các quy trình xây dựng tài liệu và đưa vào sử dụng, được IVA hoàn thành kiểm đếm theo quy trình biên soạn tài liệu.

Trường cũng đã lựa chọn đội ngũ, cử giảng viên sư phạm chủ chốt, đủ năng lực, đáp ứng đúng tiêu chí lựa chọn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cử đại diện tham gia nghiêm túc các đợt Tập huấn do Ban quản lý ETEP TW tổ chức; đồng thời bảo đảm 100% giảng viên tham gia bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán và hỗ trợ cốt cán hỗ trợ giáo viên phổ thông đại trà tập huấn cấp trường. Chất lượng bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cốt cán do Trường tổ chức tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến sự phát triển chuyên môn của bản thân giáo viên phổ thông trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã tổ chức bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông đại trà hoàn thành 5 mô đun bồi dưỡng cho 6 tỉnh thuộc địa bàn phụ trách; tác động rất tích cực đến các giáo viên phổ thông ở các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo chỉ đạo của ngành Giáo dục và Đào tạo” - ông Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá.

Tại hội nghị, hai Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là PGS.TS Nguyễn Văn Hiền, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn đã báo cáo chi tiết tổng kết các hoạt động Chương trình ETEP và công tác phát triển tài liệu bồi dưỡng trong Chương trình ETEP của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đại diện các sở Giáo dục và Đào tạo, giáo viên phổ thông cốt cán đã có những chia sẻ thiết thực về thuận lợi, khó khăn, kết quả đạt được khi tham gia ETEP; đồng thời đưa giải pháp nhằm bảo đảm tính bền vững và tiếp nối của Chương trình ETEP trong thời gian tới.

Nguồn:https://giaoducthoidai.vn/

Post by: admin admin
24-04-2022