Trong các ngày 22,23,24/10/2021, tại Trường ĐHSP Hà Nội diễn ra Hội thảo - Tập huấn mô đun 5 “Tư vấn, hỗ trợ học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học” cho 93 giảng viên sư phạm chủ chốt của Nhà trường. Nội dung Hội thảo - Tập huấn lần này là: (1) Hướng dẫn giảng viên sư phạm chủ chốt tổ chức bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán qua lớp học ảo trên hệ thống LMS của Viettel; (2) Trao đổi, thảo luận về tài liệu mô đun 5; (3) Thống nhất kịch bản, nội dung và xây dựng kế hoạch bồi dưỡng mô đun 5 cho giáo viên phổ thông cốt cán.
Đến dự khai mạc Hội thảo - Tập huấn diễn ra vào sáng ngày 22/10/2021, về phía Ban Quản lý Chương trình ETEP có TS. Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Về phía Trường ĐHSP Hà Nội có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Ban Quản lý Chương trình ETEP cùng với nhóm giảng viên biên soạn tài liệu mô đun 5 và sự tham gia của 93 giảng viên sư phạm chủ chốt.
Tại phiên khai mạc diễn ra vào sáng ngày 22/10/2021, TS. Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo, phát biểu và đánh giá cao Trường ĐHSP Hà Nội đã nhanh chóng tổ chức đợt tập huấn, tiến hành triển khai ngay trong vòng 1 tuần sau đợt tập huấn cấp Trung ương. Trong điều kiện dịch bệnh Covid đang diễn ra phức tạp như hiện nay, Trường ĐHSP Hà Nội đã tiên phong trong các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình ETEP hoàn thành việc bồi dưỡng mô đun 4 cho giáo viên phổ thông cốt cán theo phương thức bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo. Đoàn giám sát, đánh giá bồi dưỡng của Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương đánh giá cao công tác tổ chức bồi dưỡng mô đun 4 và kết quả đạt được của Trường ĐHSP Hà Nội (học viên tham gia nghiêm túc, tỉ lệ hài lòng cao, xấp xỉ 100%); nhấn mạnh công tác tổ chức bồi dưỡng của Nhà trường đã thực hiện đúng quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán. Cùng với đó, khi nhận định mô đun 5 do Trường ĐHSP Hà Nội chủ trì biên soạn, Ông Nguyễn Ngọc Dũng đánh giá cao về chất lượng cũng như khẳng định tài liệu đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt và tổ chức triển khai bồi dưỡng. Sau khi chuyển giao tài liệu bồi dưỡng cấp Trung ương, nhóm biên soạn đã chỉnh sửa và tích cực hoàn thiện gửi cho các trường trong thời gian sớm nhất.
Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương mong muốn rằng trong tập huấn cấp trường đợt này, các Thầy/Cô giảng viên sẽ tiếp tục trao đổi, nghiên cứu sâu hơn để xây dựng những kịch bản sư phạm bồi dưỡng phù hợp với bối cảnh thực tiễn, lên kế hoạch cụ thể cho các lớp bồi dưỡng 2 ngày trực tiếp qua lớp học ảo sẽ được triển khai trong tháng 11. Sau khi hoàn thành bồi dưỡng 2 ngày trực tiếp qua lớp học ảo, các Thầy/Cô sẽ cần hoàn thành chấm bài, phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đồng nghiệp của giáo viên phổ thông cốt cán, hỗ trợ cho giáo viên phổ thông cốt cán hỗ trợ đồng nghiệp trong mô đun 5. Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương tin tưởng rằng Trường ĐHSP Hà Nội sẽ phát huy các kết quả đã đạt được trong các giai đoạn trước để triển khai hoàn thành tốt nhiệm vụ bồi dưỡng mô đun 5. Ông Nguyễn Ngọc Dũng cũng đề nghị Trường ĐHSP Hà Nội tuân thủ đúng quy trình đảm bảo chất lượng bồi dưỡng, chỉ đạo các giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia tập huấn nghiêm túc, đầy đủ trong 3 ngày; thảo luận tích cực, có trách nhiệm theo đúng chương trình tập huấn.
TS. Nguyễn Ngọc Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo - Tập huấn
Cũng tại phiên khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Trưởng Ban Quản lý Chương trình ETEP cũng đã có những ý kiến chỉ đạo đối với đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia bồi dưỡng mô đun 5. PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh tính chất khác biệt của mô đun 5 so với 4 mô đun đã triển khai bồi dưỡng trước đó về nội dung bồi dưỡng, vì đây là những vấn đề giáo viên ít được tập huấn và còn có nhiều băn khoăn, vướng mắc cần được hỗ trợ. Trong Hội thảo - Tập huấn lần này, các giảng viên sư phạm chủ chốt sẽ cùng tìm hiểu kỹ nội dung tài liệu và thống nhất kịch bản trong bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán, điều này không chỉ giúp giảng viên sư phạm chủ chốt hoàn thành nhiệm vụ, đảm bảo sự tự tin trước đội ngũ giáo viên phổ thông và cũng là trách nhiệm khi hướng dẫn giáo viên phổ thông cốt cán hiểu và thực hiện tốt nhiệm vụ của họ trong quá trình hỗ trợ lại đồng nghiệp về tư vấn, hỗ trợ học sinh. Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền cũng lưu ý về việc khai thác hệ thống LMS sao cho có sự thống nhất và tiếp nối giữa 7 ngày tự học qua mạng với 2 ngày học trực tiếp trên lớp học ảo và 7 ngày sau đó để hoàn thành nhiệm vụ; đồng thời nhấn mạnh nhiệm vụ của giáo viên phổ thông cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt trong từng giai đoạn.
PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội, Trưởng Ban Quản lý Chương trình ETEP Trường ĐHSP Hà Nội chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho giảng viên sư phạm chủ chốt
Sau phiên khai mạc, các đại biểu cùng đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt được nghe báo cáo giới thiệu chung về tài liệu mô đun 5 do PGS.TS. Lê Minh Nguyệt, báo cáo hướng dẫn sử dụng mô đun 5 cấp Tiểu học do TS. Nguyễn Thị Hải Thiện và cấp Trung học do TS. Bùi Thị Thu Huyền trình bày
PGS.TS. Lê Minh Nguyệt, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục học, Trường ĐHSP Hà Nội đại diện nhóm biên soạn tài liệu báo cáo giới thiệu chung về tài liệu mô đun 5
Trong các ngày làm việc tiếp theo, giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia Hội thảo - Tập huấn sẽ cùng trao đổi, thảo luận các nội dung bồi dưỡng: (1) Những vấn đề chung về tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học và trung học trong hoạt động giáo dục và dạy học; (2) Xây dựng, lựa chọn, thực hiện chuyên đề tư vấn tâm lý cho học sinh tiểu học và trung học, phân tích trường hợp thực tiễn trong hoạt động giáo dục, dạy học; (3) Thiết lập kênh thông tin phối hợp với gia đình trong tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học và trung học; (4) Xây dựng kế hoạch tự học và hỗ trợ đồng nghiệp triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh tiểu học và trung học trong giáo dục và dạy học; (5) Xây dựng, thống nhất kịch bản bồi dưỡng 7 ngày tự học qua mạng, 2 ngày bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo, 7 ngày sau bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo. Đồng thời, các giảng viên cũng sẽ được Nhà trường phối kết hợp với Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Viettel hướng dẫn nhiệm vụ của giảng viên sư phạm chủ chốt và tập huấn sử dụng hệ thống LMS theo hình thức bồi dưỡng trực tiếp qua lớp học ảo trên hệ thống đối với giảng viên của một số khoa chưa tham gia bồi dưỡng ở các mô đun trước.
Ban Truyền thông ETEP - HNUE.