Tin tức sự kiện

Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học


22-08-2019

Tại Hội nghị “Nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong trường học” diễn ra ngày 21/8/2019, tại Hà Nội với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, nhiều ý kiến của các giảng viên đại học, giáo viên phổ thông, các nhà quản lý tập trung vào các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghệ thuật trong các trường phổ thông, đặc biệt đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: "Khi có một cảm thụ tốt về nghệ thuật thì chân thiện mỹ, tính nhân bản, tiềm năng sáng tạo được khơi dậy”.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lưu ý những người làm giáo dục nói chung, giáo dục nghệ thuật nói riêng cần tránh cách nhìn nhận giáo dục nghệ thuật chủ là “môn phụ”. Bởi vì “giáo dục nghệ thuật là một thành tố của giáo dục toàn diện: đức - trí - thể - mỹ. Khi có một cảm thụ tốt về nghệ thuật thì chân thiện mỹ, tính nhân bản, tiềm năng sáng tạo được khơi dậy”.

Bộ trưởng cho rằng, việc thay đổi nhận thức phải bắt đầu từ người quản lý, cơ chế chính sách và hoạt động triển khai. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên dạy âm nhạc, mỹ thuật. “Muốn có đội ngũ giáo viên tốt thì trước hết cơ sở đào tạo ra giáo viên đó phải tốt. Hiện nay, chúng ta đã có nhiều cơ sở tham gia đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật trong trường phổ thông. Đây là nỗ lực, cố gắng lớn. Tuy nhiên vẫn tồn tại những hạn chế, bất cập” – Bộ trưởng nhận định. 

Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên nghệ thuật phải chuẩn hóa chương trình đào tạo. Giao Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật trung ương làm đầu mối để rà soát các chương trình đào tạo, bám sát vào chuẩn đầu ra về mặt phẩm chất năng lực để từng bước thực hiện. Lưu ý hạn chế tính hàn lâm trong chương trình đào tạo. Đồng thời, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên, trước hết là giảng viên các cơ sở đào tạo giáo viên. Nhà trường phải tạo điều kiện để thầy cô có điều kiện nghiên cứu. Việc đào tạo trong trường sư phạm, trong đó có sư phạm nghệ thuật phải gắn với địa phương, nhu cầu sử dụng và gắn với thực hành, thực tế.

Về phát triển đội ngũ giáo viên âm nhạc chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, bà Vũ Mai Lan, Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch rà soát, kiểm tra về cơ sở vật chất và việc dạy học môn Âm nhạc ở THCS trên toàn quốc để có giải pháp như tăng cường đào tạo, bổ sung đội ngũ giáo viên, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn những nội dung cần thiết để xây dựng và phát triển một đội ngũ giáo viên âm nhạc THCS đầy đủ và có chất lượng.

Bà Vũ Mai Lan, chuyên viên Sở GD&ĐT Hà Nội phát biểu tại Hội nghị.

Về bồi dưỡng giáo viên thì cùng với việc tổ chức các đợt tập huấn trực tiếp, Bộ GD&ĐT cần xây dựng hệ thống học tập trực tuyến, trong đó tích hợp hướng dẫn thực hiện chương trình, thiết kế minh họa các nội dung cụ thể bằng âm thanh, hình ảnh video minh họa, việc tổ chức dạy học, định hướng về phương pháp giảng dạy. Các video minh họa đảm bảo về chất lượng để giáo viên lấy đó là chuẩn, từ đó phát triển, sáng tạo vận dụng phù hợp với địa phương.

Về đào tạo đội ngũ giáo viên dạy nhạc trong tương lai, bà Vũ Mai Lan cho rằng, Bộ GD&ĐT cần chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên Âm nhạc, các khoa sư phạm Âm nhạc đầu tư xây dựng chương trình, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung các tín chỉ trong chương trình đào tạo ngành sư phạm âm nhạc, bám sát vào nội dung dạy và học Chương trình GDPT mới.

TS Lê Vinh Hưng – Trưởng khoa Sư phạm Âm nhạc, Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng, cần chuẩn hóa các chương trình đào tạo, chuẩn hoá đội ngũ giảng viên, thống nhất và đánh giá chuẩn đầu ra là việc cần phải giải quyết đồng bộ ở các trường sư phạm và các trưường văn hoá nghệ thuật trong thời gian tới.

Cùng với chương trình đào tạo chính quy, liên thông vừa học vừa làm, việc tiếp tục nghiên cứu xây dựng các chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng theo định kỳ, theo chuyên đề hàng năm… cho giáo viên âm nhạc ở các cấp học là hết sức cấp thiết. Qua đó, giáo viên được bổ sung những thông tin mới về ngành, được trao đổi thảo luận nghiên cứu về phương pháp dạy học, sử dụng các phương tiện dạy học cho việc dạy học âm nhạc theo chương trình mới.

Theo PGS.TS Đào Đăng Phượng - Hiệu trưởng Trường ĐHSP Nghệ thuật TW, các cơ sở đào tạo giáo viên nghệ thuật cần chuẩn bị đầy đủ điều kiện, cập nhật, nắm bắt, theo kịp tinh thần của chương trình, sách giáo khoa mới để đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng GV cho môn học này.

Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, GV nghệ thuật cho các trường phổ thông, giảng viên các trường ĐH sư phạm nghệ thuật phải thực sự là lực lượng nòng cốt để bảo đảm chất lượng của đội ngũ GV dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật. Các cơ sở đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng sẽ là người chịu trách nhiệm tổ chức, chủ động phối hợp với các địa phương trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cũng như các nhiệm vụ khác được giao theo lộ trình và yêu cầu của Chương trình GDPT mới.

Nguồn: http://etep.moet.gov.vn/tintuc

Post by: admin admin
22-08-2019